Người nhiễm HIV 16 năm bây giờ sống ra sao?
Thứ năm 21/07/2016 14:50
16 năm qua, từ khi biết mình nhiễm HIV, chị Phạm Thị Huệ - “Anh hùng châu Á” trong phòng, chống HIV/AIDS do tạp chí Times bình chọn năm 2004 vẫn kiên cường đối diện và có nhiều đóng góp thiết thực cho cộng đồng người nhiễm HIV, được các tổ chức trong và ngoài nước đánh giá là hình mẫu tiêu biểu đương đầu với căn bệnh thế kỷ.

Để tìm hiểu về cuộc sống hiện tại người nhiễm HIV gần 16 năm, phóng viên Trang tin điện tử Tiếng Chuông có buổi phỏng vấn nữ “Anh hùng châu Á” - người đã từng tiên phong, đưa ra ý tưởng thành lập Nhóm Hoa Phượng Đỏ - nhóm tự lực của người nhiễm HIV đầu tiên ở Hải Phòng, giúp hỗ trợ, chăm sóc cho những người có cùng cảnh ngộ, khi đau ốm, bệnh tật và tạo công ăn việc làm để họ có cuộc sống ổn định, tái hòa nhập cộng đồng.



Sống chung với HIV 16 năm, nhưng chị Huệ luôn lạc quan, yêu
đời - Ảnh do nhân vật cung cấp

PV: Chị có thể chia sẻ những công việc, hoạt động xã hội hiện nay của chị?

Chị Phạm Thị Huệ: Hiện tại Huệ là Trưởng phòng Truyền thông của Trung tâm Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cộng đồng và phòng, chống HIV/AIDS tại Hải Phòng (HHCSC). Đồng thời, trực tiếp quản lý Dự án Hỗ trợ ông bà chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại Hải Phòng do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ.

Mục tiêu chung của công việc là, nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS thông qua hoạt động tăng cường năng lực cho ông bà đang chăm sóc trẻ.

Cụ thể, là cải thiện kiến thức và kỹ năng chăm sóc trẻ có chất lượng cho 450 ông bà là người chăm sóc trẻ được; hỗ trợ tâm lý để chăm sóc cho trẻ em trong một môi trường ít kỳ thị và phân biệt đối xử. Các ông bà được tham gia các hội thảo và giao lưu với lãnh đạo địa phương để chia sẻ những khó khăn đang gặp phải. Ông bà được tham gia sinh hoạt CLB tại phường và được nhân viên cung cấp các kiến thức cần thiết.

Bên cạnh đó, giúp 200 người được tiếp cận, chuyển gửi các dịch vụ phúc lợi xã hội, dịch vụ y tế... như: làm các thủ tục liên quan đến chính sách, pháp luật và quyền lợi: bảo hiểm y tế, đăng ký hộ khẩu, tiếp cận nguồn vốn vay, đi khám bệnh miễn phí…

Đồng thời hỗ trợ, giáo dục kiến thức, kỹ năng sống, học tập… cho 150 trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS (OVC)…

Đối với việc thực hiện dự án do KOICA tài trợ, điều Huệ đau đáu khi thực hiên dự án này là có nhiều trẻ em mồ côi do AIDS không được làm giấy khai sinh do bố mẹ chết hoặc bỏ đi biệt tích để lại con cháu cho ông bà và mất hết giấy tờ liên quan. Hầu hết các cháu không được đi học, thiếu thông tin và kỹ năng để phòng tránh tệ nạn xã hội. Có tới 85% ông bà đã trên tuổi 65, sức khỏe yếu, nên việc chăm sóc và dạy dỗ trẻ rất vất vả. Việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quyền lợi của trẻ cũng như công tác quản lý của địa phương.

Từ thực tế này, Huệ đã cùng Trung tâm kết nối thông tin của các cháu với đơn vị tư pháp địa phương hỗ trợ các cháu làm giấy khai sinh, vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ về vật chất, kết nối với các trung tâm y tế để hỗ trợ việc khám chữa bệnh miễn phí cho ông bà và các cháu.

Ngoài các công việc trên, Huệ trực tiếp tham gia và chịu trách nhiệm truyền thông cung cấp kiến thức, tổ chức hoạt động dự phòng lây truyền HIV/AIDS tại nơi làm việc cho 06 công ty xây dựng cầu đường đang thi công tại Hải Phòng…


Chị Huệ chụp ảnh với ông Michel Sidibé , Giám đốc điều hành
Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS
(UNAIDS) trong một hoạt động phòng, chống HIV/AIDS - Ảnh do nhân
vật cung cấp

PV: Hiện vừa là Trưởng phòng Truyền thông của Trung tâm Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cộng đồng và phòng, chống HIV/AIDS tại TP Hải Phòng, vừa làm kinh doanh và làm mẹ, chị phải làm thế nào để thực hiện tốt tất cả các công việc trên?

Chị Phạm Thị Huệ: Do áp lực của công việc nên hiện tại Huệ chỉ làm việc cho Trung tâm Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cộng đồng và phòng, chống HIV/AIDS và quản lý dự án. Hiện tại, các thành viên của Nhóm Hoa Phượng Đỏ đã trưởng thành nên Huệ đã rút khỏi hoạt động của nhóm.

Để thực hiện tốt công tác truyền thông, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cộng đồng cho trung tâm, Huệ phải đầu tư nhiều thời gian, công sức cho công việc. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2016, Huệ đã phối hợp tổ chức 2 cuộc tập huấn cho nhân viên dự án; 1 cuộc khảo sát số ôngbà chăm sóc trẻ tại quận Hải An; tổ chức thăm hỏi, tư vấn tại nhà cho 450 hộ ông bà (1.300 lượt/6tháng); thăm hỏi, hỗ trợ cho 900 lượt ông bà đang nuôi trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; kết nối 12 hộ ông bà còn sức khỏe được vay vốn (20 -30 triệu/hộ) để làm kinh tế; thông qua kết nối của dự án hỗ trợ 235 ông bà được khám bệnh miễn phí ; tổ chức sinh hoạt định kỳ hàng tháng cho 375 ông bà tại 12 câu lạc bộ; tổ chức sinh hoạt định kỳ với các chủ đề khác nhau, cung cấp kiến thức và kỹ năng sống cần thiết cho 240 lượt trẻ tại 4 câu lạc bộ của trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; tổ chức 12 cuộc truyền thông phòng, chống HIV/AIDS cho gần 500 lượt người tại nơi làm việc cho 06 công ty xây dựng cầu đường. Ngoài ra, Huệ còn tham gia các công việc từ thiện, tình nguyện khác.

Huệ luôn cố gắng thu xếp thời gian để có thể làm tốt tất cả các vai trò cả ở cơ quan cũng như ở nhà. Năm nay con trai Huệ đang thi vào cấp 3 nên Huệ sẽ phải sắp xếp công việc để có nhiều thời gian cho gia đình và cho con hơn.

PV: Có con khỏe mạnh, không nhiễm HIV, chị có lời khuyên gì dành cho những người phụ nữ mang thai nhiễm HIV hoặc những phụ nữ nhiễm HIV có ý định mang thai?

Chị Phạm Thị Huệ: Huệ may mắn có cón khỏe mạnh nên Huệ cũng mong rằng tất cả những phụ nữ nhiễm HIV trên toàn quốc cũng sẽ nhận được niềm hạnh phúc như Huệ. Mới đây, Thái Lan cũng vừa công bố thông tin loại bỏ được lây truyền HIV từ mẹ sang con thông qua điều trị dự phòng tốt. Nên việc này không có nghĩa là không thể, nếu những phụ nữ nhiễm HIV muốn sinh con thì Huệ khuyên các chị em hãy đến với các bác sỹ chuyên khoa để được tư vấn và được hỗ trợ điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con. Đây là biện pháp an toàn cho con nên đừng bà mẹ nào coi nhẹ chuyện tuân thủ. Hãy cùng nhau hành động để hướng tới loại bỏ lây truyền HIV từ mẹ sang con.


Chị luôn tích cực tham gia công tác truyền thông phòng tránh
HIV/AIDS cho cộng đồng - Ảnh do nhân vật cung cấp
PV: Là người nhiễm HIV 16 năm, nhưng chị vẫn luôn luôn sống rất lạc quan, yêu đời, vậy chị có bí quyết gì muốn chia sẻ?

Chị Phạm Thị Huệ: Sau 16 năm sống chung với virus HIV, hiện tại sức khỏe của Huệ vẫn rất tốt. Bí quyết để giữ gìn sức khỏe của Huệ đơn giản là luôn trang bị cho bản thân những kiến thức cần thiết, sống lạc quan và tuân thủ điều trị ARV theo hướng dẫn của bác sỹ, ăn ngủ đúng giờ…

Vinh dự được Tạp chí Time của Mỹ bầu chọn là "Anh hùng châu Á", và đạt được một số bằng khen, danh hiệu khác Huệ rất vui và luôn tự nhắc nhở bản thân phải cố gắng sống tốt, làm tốt các nhiệm vụ được giao để luôn xứng đáng với sự tin yêu của mọi người và xứng đáng với danh hiệu được trao tặng.

Qua nhiều năm sống chung với HIV, từng chứng kiến biết bao gia cảnh của những người nhiễm HIV, Huệ luôn tâm niệm rằng, mỗi người phải có trách nhiệm với chính bản thân mình trong mọi mối quan hệ. Bảo vệ mình chính là bảo vệ những người xung quanh và tích cực tham gia vào các phong trào phòng, chống AIDS.

Huệ mong muốn cộng đồng hiểu và tiếp cận được nhiều thông tin về HIV và bệnh nhân AIDS, vì những người nhiễm HIV/AIDS, nhiều người rất sợ bị phân biệt đối xử. Có thể hiện tại chưa có thuốc đặc trị chữa khỏi hoàn toàn được căn bệnh này, nhưng việc đối xử đúng mực với những người nhiễm  HIV/AIDS là liều thuốc tinh thần rất quý giá đối với họ.

PV: Xin chân thành cảm ơn chị! Chúc chị luôn sống lạc quan, yêu đời và tiếp tục có nhiều đóng góp thiết thực cho cộng đồng nói chung và cộng đồng người nhiễm HIV nói riêng.

Thùy Chi