Vì một trường học cởi mở hơn cho LGBT

Thứ tư 27/07/2016 15:00 http://tiengchuong.vn/Ho-so-tu-lieu/...LGBT/18884.vgp

“Các em đã thấy tự tin hơn, không còn lo bị cô lập. Từ đó cho thấy, việc giáo dục ở nhà trường phải theo chiều sâu và lấy giáo dục đạo đức làm trọng”.

Trêu cho vui ấy mà!

Nhắc đến những kỷ niệm học đường của mình, bạn Lê Nam một người đồng tính ở Hà Nội vẫn cảm thấy ám ảnh. Nam kể, ngày đấy với bề ngoài ẻo lả nên hay bị bạn bè lẳng lặng tách biệt khỏi nhóm chơi với lý do là… không hợp. Mỗi lần đi vệ sinh cả bọn lại xúm lại trêu rằng: ê, thằng pê đê, mày có của quý không? Những lời nói tưởng chừng vô hại đó để lại trong lòng cậu học trò những tổn thương sâu sắc.


Lớp học cầu vồng tại T.P Hồ Chí Minh-Ảnh: ICS
Với một cậu học trò yếu đuối mang đầy mặc cảm như Nam, việc chống lại những lời trêu đùa là điều không thể. Suốt bốn năm cấp 2, cậu cứ lủi thủi chơi một mình, thậm chí có lần còn rơi vào trạng thái hoảng loạn. Nam cũng không rõ vì sao mình xui xẻo đến vậy, rồi cậu quay sang trách cha mẹ, trách bản thân mình. Sau này, Nam có hỏi lại một số đứa bạn, vì sao ngày xưa chúng lại lôi cậu ra trêu đùa như vậy, chúng bạn bảo: trêu cho vui ấy mà, rồi ồ lên cười khoái trá.

Nam chia sẻ, đây chỉ là câu chuyện nhỏ của cậu trong muôn vàn những tình huống oái ăm hiện vẫn diễn ra trong nhà trường. Đôi khi các bạn trẻ có những hành động thiếu văn minh nhưng vẫn tin rằng đó là điều vô hại, không ảnh hưởng đến ai.Trường học phải là nơi mà mỗi người được học điều đúng, lẽ phải. Đó không phải là nơi để học nhau sự phân biệt và kỳ thị. Theo Nam, sự trêu chọc không chỉ đơn giản cho vui mà nó còn là hạt mầm của sự kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo hành.


Vì một trường học cởi mở hơn cho LGBT


Với sứ mệnh "Vì môi trường học đường thân thiện và cởi mở với cộng đồng LGBT”, năm 2014, Trung tâm ICS đã chính thức phát động dự án xã hội mang tên "trường học cầu vồng". Được biết, dự án này sẽ đẩy mạnh hỗ trợ cho học sinh, sinh viên là LGBT trong môi trường học tập, xây dựng một xã hội tử tế, không chỉ với bản dạng giới và xu hướng tính dục mà còn là tôn trọng sự đa dạng của cuộc sống. Trước đó, năm 2013, lần đầu tiên, kiến thức LGBT được giảng dạy công khai và trở thành một môn học của Khoa Công tác Xã hội, trường Đại học Sư Phạm Hà Nội.



Tôi muốn trường tôi sẽ-Ảnh: ICS
Đến thời điểm hiện tại, mô hình đã được triển khai sâu rộng trên nhiều tỉnh thành như: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Nha Trang… Dự án xã hội Trường học Cầu vồng kỳ vọng sẽ là một cổng thông tin, liên lạc và hỗ trợ đối với tất cả các em trong môi trường học đường đang chịu sự kỳ thị, bắt nạt hoặc phân biệt đối xử. Đồng thời, dự án này sẽ là nơi để các thầy cô giáo-những người làm công tác giáo dục có dịp hiểu thêm về học trò LGBT của mình, góp phần thúc đẩy cho sự công bằng, đây cũng là cách giúp các em phát triển tối đa khả năng tiếp thu và học hỏi mà nhà trường mong đợi.

Mang lại giá trị bình đẳng cho cộng đồng LGBT


Một trong những giáo viên đi tiên phong trong việc ủng hộ dự án Trường học Cầu vồng đó là thầy Võ Đức Chỉnh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Việt Hồng, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ. Thầy là người chủ động tạo điều kiện cho HS được sống đúng với giới tính thật bằng cách cho phép học sinh mặc đồng phục đúng với giới tính. Thầy chia sẻ: Nếu chỉ vì bộ đồng phục mà khiến những em LGBT phải bỏ học, phải khổ sở thì có nên mở lòng không? Tôi đấu tranh tư tưởng nhiều rồi quyết định chấp nhận cho học sinh là LGBT mặc đồng phục phù hợp với mình. Điều kiện là các em phải tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt dưới cờ và các hoạt động của trường, lớp.


Trường học Cầu vồng chính là cái nôi của sự đa dạng, lòng khoan dung, và giá trị bình đẳng trong các em học sinh cũng như trong cộng đồng. Nó mở mang trái tim và lý trí của mỗi người để trở thành công dân tử tế, biết chấp nhận những khác biệt về tính dục, giới, màu da, hay sắc tộc. Và chính sự tử tế, cởi mở mới là cốt lõi của giáo dục. Tham gia lớp học ngoại khóa về LGBT, cô Mỹ Hạnh khoa Tâm Lý trường Đại Học Sư Phạm TP.HCM bày tỏ: "Mọi học sinh đều bình đẳng. Không ai lấy giới tính để đánh giá học sinh.Đây là lần đầu tiên tôi thấy các em hào hứng với 1 phần học ngoại khóa như vậy, và tôi hiểu rằng, nhu cầu được cập nhật thông tin của các em về đề tài này là rất lớn”.


Bình Nguyên