Chuyện người chồng “tái sinh” từ vũng lầy ma túy

Thứ hai 29/08/2016 16:42

Bị bạn bè rủ rê, anh Bình sa chân vào ma túy. Ròng rã nhiều năm trời luẩn quẩn trong cái vòng tự cai rồi lại tái, có những lúc anh đã nghĩ tới cái chết để tự giải thoát bản thân mình. Nhưng rồi bằng tình yêu, sự bao dung, người vợ tảo tần đã giúp anh vượt lên tất cả, tái hòa nhập cộng đồng, trở thành một công dân có ích cho xã hội.



Anh Bùi Văn Bình đã thoát khỏi vũng lầy ma túy nhờ tình yêu, sự bao dung của người vợ, gia đình và mọi người xung quanh


Cơn ác mộng mang tên ma túy

Anh Bùi Văn Bình (SN 1975) sinh ra trong một gia đình gia giáo ở TP Hòa Bình. Bố là công nhân, mẹ là cán bộ nhà nước mẫn cán cả đời. Là con thứ hai trong gia đình có 5 anh chị em, anh Bình ý thức được sự khó khăn vất vả của mẹ nên năm lớp 6, anh đã xin nghỉ học, mưu sinh phụ giúp gia đình. Từ nhặt phế liệu, phụ hồ đến chạy chợ, sửa chữa cơ khí… không có việc gì anh không làm miễn là có tiền giúp mẹ nuôi các em ăn học. Năm 1994, thông qua bạn bè mai mối, anh nên duyên vợ chồng cùng chị Đặng Thị Nga, một người phụ nữ đẹp người, đẹp nết.

Hạnh phúc gia đình càng được vun đắp, khi chị Nga lần lượt sinh 2 đứa con kháu khỉnh (một trai, một gái). Vì muốn có tiền để lo cho các con, năm 2006, anh Bình xin chạy xe đường dài Bắc - Nam. Vi vu trên các tuyến đường, trong những lúc mỏi mệt, buồn chán vì phải xa nhà, lại bị bạn bè rủ rê nên anh đã bắt đầu thử ma túy và sau đó nghiện lúc nào không hay. Dân lái xe đường dài có mấy ai không hư, không mại dâm, cờ bạc thì lại sa vào ma túy nên mới có câu “Cơm hàng, cháo chợ, vợ lái xe”. Nhưng chuyện trai gái, cờ bạc nó chỉ là thú vui nhất thời, còn cái thứ tệ hại hơn cả vẫn là ma túy.

Ở thời điểm đó, thuốc phiện rẻ và dễ mua. Sẵn tiền trong tay, có những khi anh mua đến 3 - 4 triệu đồng cho cả xe dùng. Bãi đáp của họ có thể ở ngay trong cabin ôtô hoặc một bãi đất bằng ven đường. Nhấp ngụm chè nóng, anh Bình tự biện minh cho mình: “Trước đây, tuyến đường Bắc - Nam không đẹp như bây giờ. Những con đường đầy dốc hiểm với những cua tay áo, trên xe là tính mạng của gần trăm con người. Những lúc nghỉ giải lao dọc đường, lái xe không dám uống bia rượu, bởi muốn đổ đèo an toàn là phải có tâm lý vững vàng và thật tỉnh táo. Mà tài xế xe đường dài hầu hết đồng hồ sinh học thay đổi, không có khái niệm ngày đêm vì ngày cũng như đêm. Những giấc ngủ chưa bao giờ được trọn vẹn… Vì thế, nhiều tài xế sử dụng ma túy. Lúc đầu, chỉ là hút tí ti, về sau bị lệ thuộc từ lúc nào không hay.

Năm 2009, chị Nga đang làm nhân viên trực tổng đài cho Công ty Taxi 851. Chị xin cho anh vào làm nhân viên sửa chữa ở công ty những mong anh rời xa đám bạn bè xấu, cai được ma túy. Nhưng sự cố gắng và nỗ lực của chị không được đáp đền. Thời điểm này, cũng là lúc anh Bình vật vã nhất mỗi khi lên cơn đói thuốc. Sau những cơn nghiện thuốc giày vò, nhu cầu hút tăng lên theo ngày, từ 1 - 2 cữ lên đến 3 - 4 cữ, nên ngày nào anh cũng vật vờ theo đám bạn nghiện tìm “hàng” để thỏa mãn. Vật dụng trong nhà đã bán hết. Chiếc xe đạp con vừa đi học về, hay tiền học phí vợ dành dụm đóng học cho con cũng bị anh mang đi mua thuốc. Cứ thế, nhà cửa tan hoang theo khói thuốc…

Năm 2012, không còn cách nào khác, chị Nga và người thân đã quyết tâm làm đơn xin cho anh Bình vào Cơ sở giáo dục bắt buộc Thanh Hà số 1 (ở xã Gia Khánh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc). Những ngày đầu cai nghiện khó khăn vô cùng, có những khi anh Bình giam mình trong phòng kín, xích hai chân vào một mảng bê tông được chôn chặt. Thế rồi, khi cơn nghiện lên, tất cả như vô nghĩa. Nhưng nghĩ đến bố mẹ già, vợ trẻ cùng ánh mắt trong trẻo của hai đứa con thơ, anh lại cố gắng. Có lúc thèm thuốc, anh đưa hai cánh tay chà sát vào tường cho đến khi be bét máu.

Làm lại cuộc đời

Sau bao nhiêu cố gắng, tháng 5/2014, anh Bình được trả về gia đình. Nhìn ánh mắt các con ngơ ngác, lạ lẫm với bố, nhà cửa trống trơn không còn vật dụng gì giá trị, người vợ thì mỗi ngày tiều tụy đi vì lam lũ, anh bỗng ân hận, căm giận chính bản thân mình.

Khi anh Bình về nhà, để giúp anh bớt tự ti, vững tin hòa nhập cộng đồng, công an phường, chính quyền và bà con khối phố, đặc biệt là bà Hoa – Tổ trưởng tổ 21 phường Tân Thịnh thường xuyên đến nhà thăm hỏi, động viên, giúp đỡ gia đình bởi bà hiểu: “Những người nghiện ma túy không phải cứ quăng cho họ một vài viên thuốc hay vài chục triệu hỗ trợ là họ sống. Hơn lúc nào hết, họ cần cái nhìn thiện lương, sự quan tâm, sẻ chia của cả cộng đồng”.

Nhận thấy sự quyết tâm vươn lên làm lại cuộc đời của anh, Hội Phụ nữ đã làm đơn đề nghị với Hội Cựu chiến binh phường Tân Thịnh xin cho anh được hỗ trợ vay vốn cho người tái hòa nhập cộng đồng theo Nghị định số 80/2011/NĐ – CP ngày 16/9/2011 để có vốn làm ăn. Được vay 15 triệu đồng, chị Nga cùng em gái mở ki ôt bán quần áo ngoài chợ Phương Lâm. Còn bản thân anh Bình nhận thầu các công trình xây dựng, thuê thợ cùng làm. Làm được đồng nào, anh đưa hết cho vợ bởi anh sợ có nhiều tiền không làm chủ được, anh lại “ngựa quen đường cũ”. Cầm đồng tiền mồ hôi công sức của chồng, chị Nga trân trọng lắm. Nhưng điều ý nghĩa và hạnh phúc nhất với chị là anh đã từ bỏ được ma túy, trở lại làm trụ cột của gia đình.

Cuối năm 2014, cùng với số tiền tích lũy và vay thêm bố mẹ, họ hàng, vợ chồng anh xây được ngôi nhà ba tầng khang trang, ấm cúng. Hơn 2 năm nay, vợ chồng chăm chỉ làm ăn, số nợ vay của người thân và ngân hàng được trả dần đến nay đã gần hết. Con trai đầu của anh chị được người thân giúp đỡ cho làm việc ở Hà Nội. Con gái thứ hai năm nay đã lên lớp 7.

Cuộc sống hiện tại của anh Bùi Văn Bình là niềm an ủi và động viên, là tấm gương sáng cho những người còn chìm đắm trong tội lỗi để tìm lại chính mình, trở về với cuộc sống lương thiện. Anh chia sẻ: “Nghiện ma túy không phải là mất tất cả. Nếu dũng cảm biết sai và có quyết tâm sửa sai, ta hoàn toàn có thể đoạn tuyệt với ma túy. Bản thân tôi là một người may mắn, có một người vợ sẵn lòng chia ngọt sẻ bùi ngay cả trong những ngày đen tối nhất, hai bên gia đình nội ngoại thương yêu đùm bọc và đặc biệt hơn cả là sự bao dung, giúp đỡ của cả cộng đồng…”.

Anh Bình tâm sự: “Bản thân mình cũng mất gần chục lần tự cai nghiện rồi lại tái nghiện. Mãi tới khi vào Cơ sở giáo dục bắt buộc Thanh Hà, tôi mới đoạn tuyệt được hoàn toàn ma túy. Sau khi về nhà, cũng biết trong đám bạn cùng làm ngày trước, nhiều người vẫn còn nghiện ma túy. Lắm khi gặp ngoài đường, thấy bạn đói cơm, thèm thuốc, dù thương bạn, xót bạn nhưng vẫn phải tránh đi bởi sợ. Nếu hôm nay mình giúp, mai họ lại đến, không được thì họ vào… “mượn” tạm đồ đạc nhà mình đi bán”.

Theo GĐ&XH