Cập nhật 9/1/2016 12:40:52 PM
THỨ 4, 31/8/2016
"Cú đấm thép" chặn đứng căn bệnh thế kỷ (Bài 1): “Bóng ma” HIV và những bi kịch vùng cao
VOVGT - Nhóm phóng viên Kênh VOV Giao thông Quốc gia có chuyến đi thực tế tại tỉnh Sơn La nhằm tìm hiểu về thực trạng cũng như giải pháp cho "bài toán" phòng chống, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tại địa phương này nói riêng, khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa nói chung.
LTS: Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện cả nước có khoảng 254.000 người nhiễm HIV, trong đó có khoảng 85.000 người bệnh chuyển sang giai đoạn AIDS. Mặc dù trong những năm gần đây, các trường hợp nhiễm HIV/AIDS mới phát hiện và tử vong trên toàn quốc có xu hướng giảm, tuy nhiên mức độ giảm của dịch chưa sâu, không ổn định. Đáng nói, ở các tỉnh miền núi phía Bắc, vùng sâu, vùng xa… dịch bệnh có chiều hướng tăng nhanh và khó kiểm soát, với tỉ lệ nhiễm 375 người/100.000 dân. Đây cũng là khu vực trọng tâm mà các ngành chức năng đặt ra trong mục tiêu đến năm 2030 phải thanh toán HIV/AIDS tại Việt Nam.
Trước con số thống kê báo động kể trên, nhóm phóng viên Kênh VOV Giao thông Quốc gia đã có chuyến đi thực tế tại tỉnh Sơn La – một trong những địa phương có diễn biến về lây nhiễm HIV cao nhất cả nước. Với loạt bài “Cú đấm thép” chặn đứng căn bệnh thế kỷ” sẽ phần nào đi tìm lời giải cho “bài toán” phòng chống, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tại Sơn La nói riêng, cũng như các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa nói chung. Bài viết đầu tiên trong loạt phóng sự này có nhan đề: “Bóng ma” HIV và những bi kịch vùng cao.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:Chiềng Lao là một xã vùng cao thuộc huyện Mường La, phía Bắc của tỉnh Sơn La. Nếu đi từ trung tâm tỉnh lỵ đến Chiềng Lao phải mất hơn 2 tiếng đồng hồ vượt đèo, băng sông và qua khu vực địa hình phân cắt ngoằn ngoèo, phức tạp. Nổi tiếng là địa điểm có nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á – Thủy điện Sơn La, Chiềng Lao còn được biết đến là địa phương nổi cộm trên cả nước về HIV/AIDS, bởi những câu chuyện đầy ám ảnh.
“Bây giờ chồng, vợ họ nhiễm HIV, sau này lại có bạn tình khác. Cứ 1 người nhân 10, nhân 20, 30 thì tình hình như thế rất là khó// Vâng, tôi cũng có thằng em trai út bị nhiễm cách đây 10 năm rồi. Có một hôm chúng tôi phải xích lại không cho chích// Họ không ổn định, hôm nay ở bản này, ngày mai lại ở bản khác. Các đối tượng nghiện hút chủ yếu chưa có gia đình/ Bây giờ nguy hiểm nhất là các vùng sâu, vùng xa ấy, họ không biết cái gì. Phát hiện nhiễm HIV mới ở trung tâm xã lại ít hơn”, người dân địa phương cho biết.
Bà Vì Thị Um (nhân vật quay lưng) kể về tấn bi kịch gia đình mang tên HIV.
Trái ngược với hình ảnh Đà giang thơ mộng, nước xanh ngắt lấp lánh ráng chiều, bên trong căn nhà nhỏ lụp xụp ven sông là một thế giới hoàn toàn khác. Vừa xếp vào bếp chồng sắn mới đào trên đôi tay nhăn nheo, đen nám, bà Vì Thị Um (61 tuổi) giọng ngập ngừng kể về tấn bi kịch mà gia đình bà đã trải qua trong suốt một thời gian dài.
Bà Um kể rằng, chồng bà đã qua đời vì AIDS cách đây 20 năm. Căn bệnh thế kỷ cũng cướp khỏi vòng tay của bà cậu con trai cả. Bản thân người đàn bà này cũng mới được phát hiện nhiễm HIV vào năm 2013. Ngay sau khi biết bệnh, bà Um đã được điều trị thuốc kháng virus (ARV). Có lẽ, nếu không có lần đi khám bệnh trên bệnh viện tỉnh, bà cũng đã sớm bị “bóng ma” HIV đốn gục như chồng và con trai của mình.Thậm chí, ngay cả đến bây giờ, bà Um cũng không hiểu nổi vì sao mình lại bị nhiễm HIV.
Sự ngây thơ, hồn nhiên trong câu trả lời của bà Vì Thị Um phần nào lý giải cho những hạn chế về mặt nhận thức của đồng bào dân tộc miền núi đối với việc phòng chống HIV/AIDS, nhất là trong bối cảnh hàng nghìn công nhân đã từng tham gia vào các dự án thủy điện di cư đến, kéo “cơn lốc” mại dâm, ma túy vào đến tận thôn bản. Theo thống kê, trước khi có thủy điện, Chiềng Lao vẫn là “vùng trắng” về HIV. Nhưng đến năm 2016, xã này đã có 148 người nhiễm, trong đó 40 người đã tử vong vì AIDS.
Thực tế, hàng trăm câu chuyện đau lòng tương tự như gia đình bà Um vẫn đang âm ỉ diễn ra ở khắp các xã vùng sâu, vùng xa của Sơn La. Trong số 10 trẻ em bị nhiễm HIV đang được điều trị tại bệnh viện Đa khoa huyện Mường La, có một em (ở Bản Két, xã Tạ Bú) nhiễm HIV do bú sữa của dì ruột bị bệnh. Cháu sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng việc người dì không hay biết bản thân bị HIV đã dẫn đến bi kịch đau lòng này.
Theo Bác sĩ Tòng Văn Sử - Phó trưởng khoa Truyền nhiễm bệnh viện Đa khoa huyện Mường La, việc tư vấn, xét nghiệm bệnh sớm tại địa phương vấp phải nhiều rào cản, như: vấn đề nhân lực, tài lực, cơ sở y tế, trang thiết bị, vấn đề nhận thức, điều kiện kinh tế của bệnh nhân. Thậm chí, ngay cả khi bệnh nhân HIV biết được tình trạng bệnh, thì việc chăm sóc, điều trị cũng gặp vô vàn khó khăn "Tất cả người nghiện đa số là gia đình hoàn cảnh, kinh tế khó khăn, xe máy không có. Kể cả tư vấn nhiều cũng thế, cứ đến lấy thuốc muộn 2, 3 ngày vì nhà xa, không mượn được xe", Bác sĩ Sử nói.
Bác sĩ Tòng Văn Sử - Phó trưởng khoa Truyền nhiễm bệnh viện Đa khoa huyện Mường La thăm khám cho một bệnh nhân HIV/AIDS.
Cũng theo Bác sĩ Sử, hiện nay phòng khám ngoại trú cấp phát thuốc kháng virus tại bệnh viện chăm sóc cho khoảng 400 người nhiễm HIV. Tuy nhiên, nhân lực tại phòng chỉ vỏn vẹn… 2 người và lại phải làm kiêm nhiệm. Tình trạng quá tải tại phòng khám gây nên tác hại khôn lường: người bệnh không được tư vấn kỹ càng, khó tuân thủ phác đồ điều trị và không đảm bảo kết quả ức chế tải lượng virus.
Trong khi đó, ông Quàng Văn Mừng – Phó Giám đốc TTYT Huyện Mường La đưa cho chúng tôi xem con số khá giật mình, hiện số người nhiễm HIV trên toàn huyện đã lên tới 1.500 người - chiếm tỉ lệ 1% dân số (cao nhất tỉnh Sơn La). Đáng lưu ý, có hơn một nửa số này chuyển sang giai đoạn AIDS. Hơn nữa, tỉ lệ người nhiễm HIV được điều trị thuốc kháng virus mới đạt 35%, còn tỉ lệ người thường xuyên uống thuốc thay thế điều trị cắt cơn (Methadone) cũng chỉ khoảng 10%.
Có một nghịch lý mà ông Mừng thừa nhận, trung tâm càng xét nghiệm nhiều thì số ca phát hiện nhiễm HIV càng tăng. Chính số lượng lớn người nhiễm HIV tiềm ẩn trong cộng đồng là rào cản khó vượt đối với công tác tư vấn, xét nghiệm sàng lọc, chăm sóc và điều trị.
Chia sẻ thực tế này, ông Đàm Văn Hưởng – Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Sơn La chỉ biết gật đầu thừa nhận, với trên 10.000 trường hợp nhiễm HIV, trung bình 600 ca mắc mới/năm thì việc Sơn La giữ nguyên chỉ số hiện tại đã là một nhiệm vụ khó khăn rồi: "Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Sơn La rất khó khăn. Chúng tôi thực hiện nhiệm vụ nặng hơn các tỉnh khác 2-10 lần nhưng nhân lực chỉ bằng một nửa các tỉnh. Mà có tỉnh có đường kính chỉ bằng gần 1 xã của Sơn La thôi".
LTS: Rõ ràng, để không lặp lại những bi kịch đau lòng như trường hợp gia đình bà Um, hay cháu bé ở Bản Két, thì ngành y tế của tỉnh Sơn La cần mở rộng độ bao phủ của dịch vụ HIV/AIDS không chỉ về tuyến huyện. Làm thế nào để người bệnh không còn phải băng qua hàng chục cây số, không tốn thời gian, tiền của để đến được cơ sở y tế điều trị? Làm thế nào để việc xét nghiệm được thực hiện nhanh chóng, chính xác và nâng cao khả năng khống chế số ca mắc mới? Đây cũng là nội dung mà chúng tôi sẽ đề cập trong bài viết thứ hai của loạt bài “Cú đấm thép” chặn đứng căn bệnh thế kỷ” sẽ phát sóng trong khung giờ cao điểm chiều thứ Tư ngày 7/9/2016 trên tần số FM 91Mhz và Vovgiaothong.vn.
Nhóm phóng viên Kênh VOV Giao thông Quốc gia