Nẻo về tươi sáng của những cuộc đời từng chìm trong ma túy đá

Thứ ba 20/09/2016 14:58

Xác định người nghiện ma túy tái nghiện chủ yếu là do tâm lý, ông Lê Trung Tuấn (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ tâm lý cho người nghiện ma túy) đã đưa ra phương pháp chống tái nghiện trên cơ sở xóa bỏ sự lệ thuộc vào ma túy bằng ngôn ngữ tình cảm.



Phương pháp này nhằm ngăn chặn sự hình thành tất cả những động cơ tiềm ẩn thúc đẩy hành vi sử dụng ma túy, trong đó căng thẳng tâm lý là động cơ chủ yếu. Phương pháp tập trung vào giai đoạn chống tái nghiện bằng liệu pháp tâm lý và không dùng thuốc từ đó tạo cho người nghiện niềm tin ma túy hoàn toàn chữa được.


“Tôi biết mình đi qua cuộc đời này chỉ một lần”

“Tôi biết mình đi qua cuộc đời này chỉ một lần. Vì vậy nếu cần thể hiện tình cảm của mình với ai đó, hoặc làm một điều tốt đẹp cho những người xung quanh, tôi xin làm ngay trong lúc này.


Vì rằng tôi sẽ không quay lại cuộc đời này một lần nữa”, Lê Trung Tuấn (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ tâm lý cho người nghiện ma túy) mở đầu cuộc trò chuyện với phóng viên bằng một câu nói của William Penn mà anh rất tâm đắc.


Đã từng nghiện ma túy 6 năm, trải qua những năm tháng khổ đau cùng cực, vật lộn hơn 16 năm đấu tranh với ma túy để tìm cho mình một “nẻo về”, hơn ai hết, Lê Trung Tuấn vô cùng hiểu tác hại của ma túy.


Ma túy làm giảm sút sức khỏe, gia đình ly tan, kinh tế kiệt quệ, băng hoại đạo đức và suy thoái giống nòi. Chính nó là nguồn gốc nảy sinh các vấn nạn xã hội.


Lê Trung Tuấn cho biết, nếu như trước đây, các con nghiện thường sử dụng nhiều loại ma túy khác thì gần đây tình trạng con nghiện sử dụng ma túy đá ngày càng phổ biến. Trung tâm của anh đã tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp đến cai nghiện ma túy đá, hầu hết ở lứa tuổi dưới 35.


Là một trong những người điều trị cai nghiện bằng liệu pháp tâm lý tại Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ tâm lý cho người nghiện ma túy, anh Hoàng Sơn (SN 1986) chia sẻ, anh biết đến ma túy đá và chìm đắm trong những cơn ảo giác suốt 6 năm qua.


Sơn vốn là dân văn phòng, nhưng anh lại giao du với một nhóm bạn chuyên “bay”, “lắc” tại các quán bar, vũ trường.


Trong một lần cả nhóm đi chơi, bị bạn bè rủ rê, Sơn “thử dùng ma túy đá một lần cho biết cảm giác”. Từ lần thử đầu tiên, anh bắt đầu lệ thuộc vào “hàng đá”. Từ đó, ngày nào anh cũng “đập đá”, có những ngày sử dụng đến 2-3 lần vẫn chưa thỏa cơn thèm.


Chỉ đến khi vợ Sơn dọa “sẽ ly hôn nếu anh không từ bỏ ma túy đá”, Sơn mới tỉnh ngộ và quyết tâm đi cai nghiện. Khi được áp dụng phương pháp cai nghiện bằng ngôn ngữ tình cảm, ngay buổi trị liệu đầu tiên độ ham muốn đã giảm xuống. Trải qua liệu trình điều trị, đến nay, anh đã không còn ham muốn với ma túy đá và đã đoạn tuyệt hẳn với chất gây nghiện này.


Một trường hợp khác đó là Mai Anh Tú (SN 1991), sử dụng ma túy đá từ năm 18 tuổi. Sơn vốn là quý tử con nhà giàu có, được bố mẹ nuông chiều, sẵn sàng thỏa mãn mọi đòi hỏi của cậu. Có tiền trong tay, Tú sáng tối chơi bời, đàn đúm bạn bè, bê trễ việc học.

Năm 2009, trong một lần cãi vã với cha mẹ, Tú bỏ nhà đi dạt với đám bạn lêu lổng và “dính” vào ma túy đá. Dù đã được cha mẹ đưa đi cai nghiện nhiều lần nhưng Tú vẫn không sao cưỡng lại sức hút ma mị của thứ ma túy chết người này. Và cũng bởi một lẽ, gần nhà Tú có người chuyên bán ma túy đá.


Chuyên gia Tâm lý Phan Thị Mai Thương, người trực tiếp trị liệu cho học viên Mai Anh Tú chia sẻ: “Trước khi trị liệu ở đây, Tú rất thu mình, không chịu giao tiếp, ngay cả giao tiếp bằng mắt Tú cũng né tránh, đôi khi có những hành vi chống đối, lúc khăng khăng nói mình không nghiện, lúc lại lảm nhảm rằng cuộc đời mình coi như đã kết thúc.


Khi kết thúc trị liệu, Tú như một con người khác, em đã biết lắng nghe, chia sẻ, tinh thần lạc quan, vui vẻ, luôn tươi tắn, có sức sống. Hiện giờ, Tú đã bỏ ma túy đá được hơn 1 năm, đang du học tại Singapore và đã có bạn gái”.


Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ tâm lý cho người nghiện ma túy đã khảo sát nhiều trường học trên địa bàn nhiều tỉnh, thành từ các trường Trung học Phổ thông đến Cao đẳng, Đại học, thì nhận thấy hầu hết ma túy đá đã len lỏi vào được các trường học và đang được tuyên truyền rất mạnh rằng đây là loại ma túy không gây nghiện.


Rất nhiều thanh thiếu niên hiện nay sử dụng ma túy đá như một trào lưu thể hiện “đẳng cấp” của mình mà không hề nhận thấy tác hại của nó, trong khi đó phụ huynh của các em thì hầu như không am hiểu gì về ma túy và đặc biệt là ma túy đá.


Tỷ lệ người sử dụng ma túy đá vào cai nghiện trong các Trung tâm chữa bệnh giáo dục lao động xã hội ngày càng tăng. Trong khi đó, tỷ lệ phạm tội giết người do hoang tưởng sau khi sử dụng ma túy đá cũng tăng cao đột biến trong những năm gần đây.


Đáng chú ý, người dùng ma túy đá thường có nhận thức sai lầm cho rằng mình không nghiện. Vì họ nghĩ như heroin thì ngày nào cũng phải sử dụng, nhưng với ma túy đá có thể 1 tuần không sử dụng vẫn không có biểu hiện vật vã, nên họ cho rằng không sao.

Điều này khiến người mới sử dụng ma túy đá chủ quan, họ dùng ma túy đá như một trò giải khuây trong các cuộc vui mà không lường hết hậu quả có thể gây ra cho chính cuộc sống của mình. Đến khi không sử dụng lại, họ cảm thấy chán nản, không muốn làm việc và lúc đó tâm lý thôi thúc tìm đến thuốc, dẫn đến nguy cơ nghiện rất cao.


Việc điều trị cho những bệnh nhân sử dụng ma túy đá rất khó khăn vì thường sau một thời gian sử dụng loại ma túy này, bệnh nhân bị rối loạn tâm thần, tổn thương não nặng.


Nhiều bệnh nhân có thời gian sử dụng ma túy đá kéo dài với liều lượng lớn có thể phải mất từ 6 tháng đến 1 năm điều trị thì hành vi mới trở lại bình thường. Nếu một người sử dụng heroin kèm theo sử dụng ma túy đá, chỉ vài tháng sử dụng liên tục sẽ xuất hiện những biểu hiện tâm thần, kèm theo thể trạng suy kiệt.


Với người nghiện ma túy đá thì hiện nay chưa có thuốc điều trị thay thế hay đối kháng như đối với điều trị nghiện heroin. Trong việc điều trị nghiện ma túy đá thì liệu pháp quan trọng nhất là liệu pháp tâm lý. Phải thay đổi được nhận thức hành vi của họ, cung cấp cho họ thông tin đầy đủ.


“Đã đến lúc toàn xã hội phải đưa ra những cảnh báo sớm trong thanh thiếu niên và cả xã hội cần phải chung tay một cách quyết liệt mới có thể đẩy lùi được hiểm họa của ma túy đá. Trong đó, cần phải lấy trọng tâm nâng cao nhận thức và tác hại của ma túy đá cho học sinh, sinh viên, kể cả các bậc phụ huynh hay trong đời sống cộng đồng.


Chúng tôi đã và sẽ nghiên cứu trong nhiều năm để đưa ra những phác đồ điều trị tâm lý cho người sau cắt cơn; đối với tất cả các loại ma túy, chúng tôi đã nghiên cứu và nhận thấy nghiện ma túy đá là sự tổn thương rất lớn về tâm lý, tác hại của nó lên hệ thống thần kinh trung ương và não bộ đặc biệt lớn nên những loại thuốc cai nghiện hiện tại chỉ là giúp người nghiện cắt cơn giải độc.


Còn để muốn thoát khỏi nó là cả một quá trình trị liệu về tâm lý lâu dài và vô cùng phức tạp. Phức tạp, nhưng có thể làm được”, anh Tuấn khẳng định.


Anh Lê Trung Tuấn (người cầm Mic) tại lễ công bố đề tài khoa học

Cách “cai” tốt nhất là tránh xa những cám dỗ


Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân không nên bao che, tự cai nghiện cho những người “ngáo đá” tại nhà vì những người nghiện ma túy này không thể kiểm soát hành động rất dễ gây nguy hiểm cho mọi người xung quanh kể cả khi phê thuốc hay “đói thuốc”.


Hẳn dư luận vẫn chưa quên vụ việc đối tượng Tô Nhật Minh Hải (ngụ phường Nhật Tảo, quận 10, TP Hồ Chí Minh), một thanh niên vốn hiền lành đã phút chốc trở nên hung dữ như một sát thủ máu lạnh vì “ngáo đá”. Hải đã biến thành con người khác khi hắn cầm dao đoạt mạng chính mẹ đẻ và đâm anh trai trọng thương.


Trước đó, vào năm 2011, gia đình phát hiện Hải nghiện ma túy đá và nhiễm HIV. Mặc dù được mẹ khuyên nên đi cai nghiện tập trung nhưng Hải không chịu nên gia đình đã khóa trái cửa nhốt y ở trong phòng để cai nghiện tại gia và điều trị căn bệnh thế kỷ.


Đến giữa năm 2013, bà Hòa và những người thân trong gia đình thấy Hải đã cắt được cơn nghiện. Thấy Hải trở nên hiền lành và sống rất vui vẻ, hòa đồng nên gia đình không nhốt y như trước.


Tuy nhiên, trong chuyến du lịch ở Phú Quốc, bà Hòa thấy con mình hay nói nhảm một mình nên theo dõi và phát hiện Hải vẫn lén lút sử dụng ma túy đá. Ngay sau đó, bà Hòa tiếp tục nhốt Hải trong nhà để cai nghiện. Đến khuya thì xảy ra sự việc đau lòng trên.


Trước sự gia tăng của những người sử dụng ma túy đá như hiện nay, vấn đề được dư luận quan tâm là việc quản lý, điều trị cho những người nghiện ma túy đá một cách phù hợp.


Bên cạnh việc sớm nghiên cứu và công bố phác đồ điều trị một cách chính thức đối với người nghiện ma túy đá cũng cần phải có biện pháp phối hợp quản lý giữa gia đình và địa phương, để phòng tránh tình trạng người nghiện ma túy đá có thể gây án.


“Nếu không có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu, vài năm nữa thôi, “lứa” chơi ma túy đá đầu tiên bị tổn thương vỏ não, biến thành những rô bốt bị “ảo giác” điên rồ, rồi thế hệ tiếp sau ngày càng đông hơn tiếp tục ra đời thì khi ấy, đi ra đường, tất cả chúng ta sẽ phải mặc áo giáp theo đúng nghĩa đen”, anh Lê Trung Tuấn ví von chua chát.


Để điều trị cai nghiện cho đối tượng nghiện ma túy đá rất tốn kém. Hiện những phác đồ rẻ nhất thì đối với các gia đình đã kiệt quệ kinh tế do có con cái nghiện ngập cũng không đủ tiền. Và đưa đi không phải một lần đã có kết quả.


Trên thực tế đa số chỉ là cắt cơn, còn chữa dứt khỏi là không nhiều. Cho nên có những gia đình kiệt quệ và buông xuôi, bởi không còn khả năng, cũng không còn đủ kiên nhẫn khi mỗi lần đưa con đi tốn hàng chục triệu đồng, về lại nghiện, lại đưa đi…


“16 năm qua, tôi đi tìm câu trả lời vì sao người nghiện vẫn tái nghiện. Câu trả lời là người nghiện chịu hai sự lệ thuộc rất rõ ràng, sự lệ thuộc về thể chất và sự lệ thuộc về tâm lý. Quá trình nghiện đã được tự động ghi nhớ vào trong não bộ”, anh Lê Trung Tuấn cho biết.


Theo anh Tuấn, việc tái nghiện xuất phát từ quá trình căng thẳng tâm lý. Quá trình căng thẳng tâm lý xuất hiện qua ba trạng thái. Thứ nhất, tiếp xúc, hồi tưởng lại những đối tượng liên quan đến việc sử dụng ma túy, bơm kim tiêm, bạn nghiện.


“Bất kỳ người nghiện nào khi gặp lại bạn nghiện thì cảm xúc khoái cảm, kể cả chỉ là mùi mồ hôi lại hồi tưởng. Vì thế, có người nghiện khi vừa ra khỏi trung tâm cai mà gặp bạn đã nhảy xuống nghiện lại”, anh Tuấn chia sẻ.


Trạng thái thứ hai, theo anh Tuấn, căng thẳng tâm lý của người nghiện xuất hiện qua các cảm xúc tiêu cực, thất vọng, buồn chán, mặc cảm, nóng giận. Thứ ba, căng thẳng tâm lý dễ rơi vào những tình huống “nguy cơ” dẫn đến hành vi sử dụng ma túy.


Anh Tuấn cho biết, cầu nối giữa yếu tố căng thẳng tâm lý và hành vi sử dụng lại ma túy chính là quá trình ghi nhớ tự động của cảm giác hưng phấn, các khoái cảm do ma túy mang lại cho người sử dụng.


Hay nói cách khác, mỗi khi có căng thẳng tâm lý người nghiện lại tự động nhớ tới cảm giác dễ chịu từ những lần sử dụng ma túy trước đây. Sự nhớ lại này dẫn tới sự căng thẳng về thể chất. Do đó, họ thực hiện hành vi tiếp tục sử dụng ma túy, thậm chí sử dụng liều lượng cao hơn để loại bỏ các căng thẳng.


“Muốn xóa bỏ hoàn toàn sự lệ thuộc tâm lý phải qua quá trình giải tỏa căng thẳng tâm lý. Đây là giai đoạn cần qua điều trị trợ giúp về tâm lý, tư vấn và giúp người nghiện hình thành những kỹ năng sống mới”, vị Giám đốc cho hay.


Khi học viên đến Trung tâm để cai nghiện, các tư vấn viên sẽ tìm hiểu hoàn cảnh bản thân gia đình, quá trình nghiện và xác định các tình huống tác nhân kích hoạt ham muốn sử dụng lại ma túy. Sau đó các chuyên gia sẽ đưa ra những bài tập luyện để loại bỏ căng thẳng bằng kỹ thuật đặc biệt.


Các chuyên gia sẽ xác định những cảm xúc tiêu cực có thể thúc đẩy hành vi tái sử dụng ma túy ở học viên. Đồng thời, các chuyên gia sẽ chuyển đổi những cảm xúc tiêu cực dưới tác động của ngôn ngữ dạng nói và viết.


Bên cạnh đó, học viên sẽ được luyện tập thường xuyên bằng các bài tập tâm lý đặc biệt để có thể tự chủ được hành vi sử dụng ma túy khi gặp phải các tình huống dẫn đến nguy cơ tái nghiện.


Người cai nghiện đôi khi tái nghiện vì những lí do tưởng chừng như khá vô lí như trường hợp P.V.H, “đập đá” từ những năm mới chỉ đôi mươi. P.V.H thường chơi đá cùng nhóm bạn, mỗi lần chơi đá xong lại thức đêm chơi điện tử lâu dần hình thành thói quen thức khuya chơi điện tử.


Do vậy, cứ nhìn thấy các trò chơi điện tử hoặc màn hình máy tính hay ti vi là P.V.H lại thèm ma túy. Sau khi P.V.H cắt cơn được anh Tuấn yêu cầu ngồi xem ti vi hoặc trước màn hình máy tính. Qua thời gian rèn luyện, P.V.H đã không còn thèm ma túy mỗi lần ngồi trước màn hình ti vi hay các trò chơi điện tử nữa.


Tuy nhiên, theo anh Lê Trung Tuấn, để đạt được hiệu quả trong quá trình điều trị phải cần đến sự quyết tâm của học viên.


“Có lúc tôi chợt nghĩ, vấn đề lớn nhất của người nghiện là người khác có đủ bao dung để tha thứ cho mình hay không và bản thân mình có đủ sức mạnh để tự mình tha thứ cho chính mình! Tôi mong rằng với những sự nỗ lực của bản thân, cùng với sự giúp đỡ của xã hội sẽ có nhiều hơn nữa những người thoát khỏi ma túy, làm lại cuộc sống mới”.


Cũng theo vị giám đốc, thứ ma túy chết người quá khó để từ bỏ một khi đã “bập” vào. Suy cho cùng, cách “cai” tốt nhất vẫn là tránh xa những cám dỗ ấy ngay từ khi nó chưa bắt đầu.


(Tên các nhân vật đã được thay đổi)
Theo Pháp luật VN