Phác đồ mới điều trị bệnh lậu
Thứ sáu 28/10/2016 08:48
Bệnh lậu do vi khuẩn lậu Neisseria gonorrheae gây ra. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi đang hoạt động tình dục mạnh, tuy nhiên cũng có thể gặp ở trẻ sơ sinh do lây từ người mẹ khi sinh. Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường tình dục.

Các biểu hiện của bệnh lậu

Bệnh thường gặp qua hai giai đoạn: cấp tính và mạn tính.

Lậu cấp tính: Ở nam giới sau thời gian ủ bệnh khoảng từ 2 - 6 ngày, có triệu chứng rát, nóng, buốt khi đi tiểu, đau dọc theo niệu đạo, có mủ tự chảy ra từ dương vật hoặc lẫn với nước tiểu (nước tiểu đục), mủ đặc có màu vàng. Ở nữ giới, thời gian ủ bệnh rất khó xác định vì các triệu chứng kín đáo. Có thể gặp đái buốt, đái dắt, đau vùng xương mu sau khi giao hợp và đái mủ biểu hiện bằng nước tiểu đục. Khám thấy viêm âm hộ, âm đạo, cổ tử cung.

Lậu mạn tính: Ở nam giới biểu hiện bằng đái buốt, đái dắt, ít khi thấy đái ra mủ. Đa số thấy có chất nhầy như nhựa chuối chảy ra ở dương vật vào sáng sớm, lúc ngủ dậy, khi đi tiểu. Nếu không phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ ở giai đoạn cấp bệnh sẽ chuyển thành mạn tính rất khó điều trị và dễ gây biến chứng như chít hẹp niệu đạo, viêm tinh hoàn... Ở nữ giới có rất ít triệu chứng ngoài dấu hiệu ra khí hư màu vàng. Bệnh có thể dẫn đến viêm hậu môn. Điểm quan trọng của lậu mạn ở nữ là làm lây bệnh trong nhiều tháng, nhiều năm khi hoạt động tình dục.


Vi khuẩn lậu Neisseria-gonorrhoeae
Bệnh lậu ở trẻ sơ sinh có biểu hiện viêm kết mạc cấp tính với hai mắt sưng to, nhắm nghiền, nếu ấn vào mi mắt sẽ thấy mủ màu vàng chảy ra. Ngoài ra, trên lâm sàng còn gặp cả bệnh lậu ở họng và trực tràng.

Để chẩn đoán xác định lậu mạn tính cần làm xét nghiệm tìm vi khuẩn nhiều lần, nhiều loại bệnh phẩm khác nhau và nhiều phương pháp khác nhau. Bệnh lậu mạn tính cần phân biệt với một số bệnh khác, như bệnh do vi khuẩn Chlamydia trachomatis, Mycoplasma, bởi bệnh do hai loại vi khuẩn này gây nên có triệu chứng gần giống bệnh lậu.


Phác đồ điều trị lậu mới nhiều ưu điểm

Tháng 7/2013, tại hội thảo của Hiệp hội Quốc tế về nghiên cứu bệnh lây qua đường tình dục ở Vienna (Áo) dưới sự giám sát của Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh Mỹ (CDC) và Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ (NIH) đã đưa ra hai phác đồ điều trị mới đầy hứa hẹn cho lậu cầu kháng thuốc lây bệnh qua đường tình dục. Phác đồ 1 gồm gentamycin dạng tiêm kết hợp với azithromycin dạng viên. Phác đồ 2 gồm gemifl oxacin dạng viên kết hợp với azithromycin dạng viên.

Hai phác đồ điều trị lậu cầu này được các nhà khoa học Mỹ thực hiện trên hơn 400 đàn ông và phụ nữ tuổi từ 15 - 60 nhiễm lậu chưa được điều trị với bất kỳ thuốc nào trước đó. Phác đồ 1 đem lại hiệu quả 100% lành bệnh lậu ở cơ quan sinh dục trong khi phác đồ 2 chỉ hiệu quả ở 99,5% bệnh nhân. Riêng nhiễm lậu ở họng và trực tràng thì hiệu quả lành bệnh là 100% ở cả hai phác đồ điều trị. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân than phiền các phản ứng phụ khó chịu như buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy.

Hai phác đồ điều trị mới này vẫn không thay đổi phác đồ điều trị hiện tại với bệnh lậu với những trường hợp chưa kháng thuốc. CDC khuyến cáo duy nhất một phác đồ điều trị hàng đầu là ceftriaxone ở dạng tiêm kết hợp với một trong hai kháng sinh dạng uống khác đó là azithromycin hoặc doxycycline. Phác đồ điều trị này có hiệu quả cao và ít phản ứng phụ. Một kháng sinh khác là cefi xime dạng viên đã mất hiệu quả trong việc chữa các bệnh lây qua đường tình dục. Đầu năm 2013, các thầy thuốc Canada cho biết, họ đã nghiên cứu gần 300 bệnh nhân bị bệnh lậu được chữa trị với cefi xime với tỷ lệ thất bại gần 7%. Tháng 8/2012, CDC khuyên các thầy thuốc ngưng dùng cefi xime để chữa lậu, thay vào đó là dùng ceftriaxone. Tuy nhiên, các thầy thuốc có thể dùng 2 phác đồ điều trị mới nêu trên để thay thế trong trường hợp không dùng ceftriaxone được, ví dụ bị dị ứng.

Theo CDC, để phòng ngừa lậu cầu, khi sinh hoạt tình dục nên dùng bao cao su thường xuyên và đúng cách, hạn chế số lượng bạn tình.

BS. Ngô Văn Tuấn
Theo SKĐS