Người giúp nhiều thanh niên đoạn tuyệt ma túy
Thứ hai 14/11/2016 16:04
Bằng tình cảm, sự yêu thương, hơn 10 năm nay, bà Trần Thị Xuân Mạo, ở Phường Tân Thiện, thị xã La Gi (tỉnh Bình Thuận) đã cảm hóa và giúp đỡ hàng chục thanh niên nghiện ma túy cai nghiện, làm lại cuộc đời.

Là một nữ quân y, sau giải phóng, bà Mạo trở về La Gi sinh sống và làm việc tại một trường tiểu học. Như bao người phụ nữ khác, mong muốn một cuộc sống hạnh phúc và bình yên, nhưng biến cố cuộc đời xảy ra khi vợ chồng chia tay, và vào năm 2002 đứa con trai đầu của bà "dính" vào ma túy. Kinh tế khó khăn, vừa làm cha vừa phải làm mẹ, người phụ nữ này gần như ngã quỵ. Nhưng với tình thương yêu bao la của người mẹ, đức tính hy sinh chịu khó của người phụ nữ, bà đã vượt qua bao khó khăn, kéo con trai mình thoát khỏi vũng lầy ma túy.

Kể lại khoảng thời gian vất vả ấy, bà Mạo cho biết: "Những ngày tháng đó chỉ có mẹ và con. Tôi chỉ biết ôm con vào lòng, đau cùng con, khóc cùng con. Tình yêu thương gia đình, tình yêu của người mẹ đã cứu lấy con tôi. Con trai tôi đã đoạn tuyệt được với ma túy hiện giờ đã lập gia đình và có cuộc sống ổn định".

Cũng tại thời điểm đó, tệ nạn ma túy nổi lên ở Phường Tân Thiện, nhiều gia đình có con rơi vào nghiện ngập, tình hình an ninh trật tự trở nên phức tạp... Trước tình hình trên, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường đã thành lập "Tổ phụ nữ vận động chồng, con, em cai nghiện và quản lý chồng con sau khi cai nghiện" do bà Mạo làm tổ trưởng. Cũng từ đó, việc vận động, động viên và giúp đỡ người nghiện trở thành việc làm hằng ngày và bà cũng không ngờ là nó lại theo mình đến tận bây giờ. Với tinh thần trách nhiệm cao, bà Mạo cùng các chị em Hội Phụ nữ phường làm tốt công tác vận động, tuyên truyền những gia đình có con, em nghiện ngập, đưa các em đi cai nghiện, góp phần đảm bảo an ninh trật tự và thực hiện mục tiêu "3 giảm" ở địa phương.

Năm 2008, bà Mạo hăng hái tham gia vào đội ngũ cộng tác viên, đồng đẳng viên của thị xã La Gi. Trên chiếc xe đạp cũ, bà rong ruổi khắp thị xã La Gi. Hễ nghe nơi nào có tụ điểm tập trung đông người hút chích, buôn bán ma túy là bà tìm đến, không kể là xa xôi là đêm hôm. Ngoài việc nhặt kim tiêm bẩn, phát kim tiêm sạch cho các đối tượng nghiện ma túy, bà Mạo còn lân la làm quen với họ và tìm ra nhiều đầu mối buôn bán ma túy, từ đó cung cấp được nhiều nguồn tin có giá trị cho công an và chính quyền địa phương.

Đến năm 2010, do các cơ sở cai nghiện ở tỉnh quá tải, tình hình tệ nạn ma túy trên địa bàn phường diễn biến khá phức tạp. Với kinh nghiệm đã cai nghiện cho con trai tại nhà, cùng với sự tư vấn, hỗ trợ về thuốc cai nghiện của các bác sỹ ở TPHCM, bà Mạo đã bàn với Hội Phụ nữ phường và các cấp ngành chức năng cho bà cai nghiện miễn phí cho các em, các cháu tại nhà.

Được đồng ý, bà Mạo đã xây dựng một căn phòng rộng 28m2 và sắm sửa các thiết bị cần thiết. Ban đầu, bà cùng các chị em trong Hội Phụ nữ phường đến tận gia đình vận động cai nghiện. Bà Mạo cho biết: "Để tiếp xúc được với người nghiện và vận động họ đi cai rất khó. Đã không ít lần tôi phải đối diện với những ánh mắt không thân thiện, thái độ không muốn tiếp xúc, thậm chí là chửi bới nặng lời của người nghiện. Tuy nhiên tôi không nản lòng. Mỗi lần tiếp cận được các cháu, tôi không hề sợ sệt. Khi lại gần tôi nắm tay các cháu và nhỏ nhẹ khuyên rằng "cô tới đây là vì thương các cháu chứ không hại các cháu đâu".

"Nhờ những năm tháng rong ruổi khắp nơi làm đồng đẳng viên và sự kiên nhẫn bền bỉ, tôi đã biết hoàn cảnh gia đình và nguyên nhân dẫn các cháu đến con đường sa ngã nên tôi đã thuyết phục được các cháu đi cai", bà Mạo nói.

Dần dần, nhà bà Mạo đã trở thành nơi tiếp nhận và cai nghiện cho nhiều thanh niên vướng vào nghiện ngập. Với kinh nghiệm của một người làm ngành y, bà Mạo thường xuyên nghiên cứu tài liệu, sách báo liên quan đến y khoa và phương pháp cai nghiện hiệu quả để giúp các đối tượng nhanh chóng dứt bỏ ma túy, sớm hồi phục, trở lại con người bình thường. 15 ngày cai nghiện là một hành trình cực kỳ khó khăn. Nhiều đối tượng không chịu được cơn nghiện nên đập phá nhà cửa, thậm chí chửi rủa. Là một người mẹ từng chịu nhiều nỗi đau của ma túy đem lại, bà hiểu và thương các cháu, các em như chính con mình. Những lúc cơn nghiện hành hạ, giày vò các cháu thì bà luôn túc trực ngày đêm chăm sóc, động viên các cháu vượt qua.

"Khi cơn nghiện qua đi nhiều cháu ôm tôi khóc, tâm sự về những nỗi lòng và sự ân hận của mình khi lâm vào con đường nghiện ngập", bà Mạo kể lại.

Trong 3 năm ròng rã, bà Mạo đã cai nghiện thành công cho 21 đối tượng và giúp đỡ cho 10 gia đình cai nghiện cho con tại nhà. Nhiều cháu khỏe mạnh, lao động tốt, đang sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. 


Theo CAĐN

http://tiengchuong.vn/Nhung-tam-long...-tuy/20325.vgp