Chuyện nghề của ‘cha đỡ’ 2 lần phơi nhiễm HIV

Thứ năm 23/02/2017 15:36

Hơn 22 năm công tác trong khoa sản, ThS.BS Lưu Quốc Khải, Trưởng khoa Đẻ A2, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội được ví như "cha đỡ" mát tay, tận tâm với nghề.

ThS.BS Lưu Quốc Khải, Trưởng khoa Đẻ A2, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Ảnh: Thùy Chi


Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, BS. Khải về Bệnh viện Phụ sản Hà Nội công tác đến nay đã được hơn 22 năm. Là người trực tiếp can thiệp vào sự sống của người mẹ và đón hàng nghìn sinh linh bé nhỏ chào đời, BS. Khải coi đó là diễm phúc của cuộc đời. Mỗi đứa trẻ sinh ra, anh coi chúng như con cái mình, khoảnh khắc chúng cất tiếng khóc chào đời khiến anh cảm thấy vô cùng hạnh phúc.

Đặc biệt, ThS.BS Lưu Quốc Khải cũng là người trực tiếp chỉ đạo và thực hiện ca phẫu thuật cho nữ bệnh nhân nhiễm HIV trong vụ 18 y bác sĩ của bệnh viện bị phơi nhiễm HIV, gây chấn động ngành y hồi giữa năm 2015.

Trong ca cấp cứu đặc biệt đó, BS. Khải và 18 y bác sĩ đã bị phôi nhiễm HIV sau khi nỗ lực giành sự sống cho bệnh nhân mất máu nhiều, ngừng tuần hoàn. Khi các bác sĩ đang tiến hành phẫu thuật thì có kết quả xét nghiệm máu người bệnh bị nhiễm HIV nhưng họ vẫn tiến hành cấp cứu vì chỉ cần chậm trễ 1-2 phút là tính mạng bệnh nhân có thể bị đe dọa. Nguyên nhân do họ không trang bị phòng hộ nhưng may mắn là các bác sĩ đã kịp thời uống thuốc kháng virus HIV dự phòng và được kết luận âm tính với việc phơi nhiễm HIV.

Mặc dù đã 2 lần bị phơi nhiễm HIV nhưng vị bác sĩ này vẫn không khỏi xót xa khi đề cập đến những câu chuyện ẩn chứa nỗi buồn khôn tả của những sản phụ nhiễm HIV. “Họ là những người phụ nữ ở nông thôn ra thành thị vì cuộc sống xô đẩy mà làm nghề gái bán hoa. Đó là những ánh mắt tự ti đầy bất lực, mặc cảm, sợ bị mọi người xa lánh nhưng sâu thẳm trong họ là nỗi khát khao được làm mẹ mặc dù mình đang nhiễm HIV”, ThS.BS Lưu Quốc Khải cho hay.

Có trường hợp sản phụ còn mong bác sĩ cứ để cho mình được chết khi đang tiến hành chuẩn bị mổ cấp cứu. Đó là câu chuyện về một cô gái khoảng 26 tuổi làm gái bán hoa. Sản phụ bị chửa ngoài tử cung vỡ và buộc phải mổ. Tuy nhiên, với trách nhiệm và tâm của mình, BS. Khải đã tư vấn, trấn an và khuyên nhủ bệnh nhân phải bình tĩnh. Sau này điều trị bệnh theo phác đồ thì sức khỏe sẽ được cải thiện và có thể lấy chồng và sinh con. Sau đó sản phụ đã đồng ý mổ, điều này có nghĩa là BS. Khải và đồng nghiệp đã cứu được sản phụ trẻ thoát khỏi cửa sinh tử.

Mặc dù rủi ro nghề nghiệp cao, nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền qua đường máu như HIV, viêm gan, giang mai… nhưng đối với ThS.BS Lưu Quốc Khải, công việc mang tính chất rủi ro cao không có nghĩa là mình sợ và bỏ cuộc. Bên cạnh việc tuân thủ đúng quy trình về chuyên môn, cần phải tuyệt đối tôn trọng sản phụ, không được có suy nghĩ bỏ rơi hay miệt thị họ.

Nói về nghề, BS Khải cho hay người làm nghề y quan trọng nhất là chữ tâm phải sáng. Chữ tâm ở đây là bác sĩ phải đặt đạo đức lên trên hết, nghiêm túc với nghề nghiệp. Bên cạnh việc lắng nghe người bệnh chia sẻ về bệnh tật, cuộc sống thì người bác sĩ phải biết cách lấp đi khoảng cách giữa thầy thuốc và người bệnh.

Đặc biệt, cần phải đối xử bình đẳng với các bệnh nhân, sản phụ ở bệnh viện, có người giàu, người nghèo, có người đẻ dễ, đẻ khó… Tất cả họ đều cần được cứu chữa kịp thời. Tuy nhiên, “nếu có ưu tiên thì tôi sẽ ưu tiên những người hoàn cảnh nghèo khó và bộ đội. Họ là những người rất vất vả. Có người nghèo đến mức đi đẻ với đôi bàn tay trắng, có những sản phụ đi đẻ một mình vì chồng là bộ đội phải trực không được về... Những con người đó, thực sự họ rất cần sự quan tâm, động viên từ các y, bác sĩ", bác sĩ Khải chia sẻ.

Vì nể và yêu quý chuyên môn cũng như cái tâm của “cha đỡ” Lưu Quốc Khải nên nhiều sản phụ đã lấy tên ông đặt tên cho con mình. Thậm chí, nhiều người còn xin nhận ông làm bố nuôi của con họ. Mặc dù rất vui nhưng ông không dám nhận lời bởi điều ông sợ nhất là thất hứa. Vì khi nhận lời làm bố nuôi, ông phải dành thời gian để thăm, chơi với con nuôi, trong khi đó bản thân còn nhiều việc phải làm nên việc thất hứa sẽ khiến tâm hồn trẻ thơ bị hụt hẫng.

Hằng ngày, bác sĩ phải tiếp xúc với hàng trăm bệnh nhân nữ, bà bầu sinh đẻ. Gặp bác sĩ nam khám, đỡ đẻ, thai phụ không khỏi ngại ngùng. Do vậy, bác sĩ cần nghiêm túc, đúng mực và đặc biệt đặt đạo đức nghề nghiệp lên hàng đầu. Theo BS Khải, đôi lúc chỉ cần một câu nói đùa thiếu văn minh cũng có thể khiến người bệnh hiểu sai, nên người bác sĩ cần có lời nói, tư duy đúng mực và hành động minh bạch, rõ ràng.

Chia sẻ về cái “duyên nợ” với nghề, BS. Lưu Quốc Khải cho hay, thoạt đầu khi mới công tác trong sản khoa, bạn bè trêu chọc nghề có vẻ nhạy cảm, thời trẻ anh cũng có chút ngại ngùng. Tuy nhiên, xác định đây là nghề nghiệp của mình, hiếm ai có diễm phúc chứng kiến giây phút thiêng liêng những đứa trẻ chào đời, bác sĩ coi đó là một may mắn. Càng may mắn hơn khi vợ anh làm cùng ngành nghề. Chị công tác tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương nên rất hiểu và thông cảm cho nghề nghiệp của chồng.

BS. Khải tâm sự, nhiều lúc chỉ đơn giản là một lời cám ơn, cái bắt tay của người chồng sản phụ, bó hoa đẹp... cũng khiến anh ấm lòng. Với vị bác sĩ luôn tận tâm với nghề như BS. Lưu Quốc Khải, điều quý giá nhất đó là chứng kiến cảnh mẹ tròn con vuông, chào đón một sinh linh bé nhỏ đến với thế giới rộng lớn bao la này.
Trà My