Kết quả 1 đến 1 của 1

Chủ đề: Giúp bệnh nhân HIV/AIDS không 'chết về tinh thần'

  1. #1
    Điều Hành Chung.Thay quyền Admin
    (Sanh năm 1983 ) 10 năm trong chuyên môn tư vấn HIV miễn phí
    Nguyen Ha's Avatar
    Ngày tham gia
    19-12-2012
    Giới tính
    Nữ
    Đến từ
    diendanhiv.vn
    Bài viết
    32,318
    Cảm ơn
    664
    Được cảm ơn: 7,903 lần

    Giúp bệnh nhân HIV/AIDS không 'chết về tinh thần'


    Giúp bệnh nhân HIV/AIDS không 'chết về tinh thần'


    Thứ sáu 24/02/2017 11:38

    Đại dịch HIV/AIDS là mối nguy không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu. Để đối phó với đại dịch này không dễ. Sống chung và xoa dịu nỗi đau HIV/AIDS còn khó hơn nhiều.



    Y sỹ Trần Thị Kim Hạnh chăm sóc cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS

    Ở Việt Nam, hàng ngày có những bác sĩ, y sĩ… đồng hành với bệnh nhân HIV/AIDS, chia sẻ nỗi đau của họ và vực họ dũng cảm đối diện với HIV/AIDS. Y sĩ Trần Thị Kim Hạnh công tác tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Đà Nẵng là một điển hình như thế.

    Gần 10 năm (2007 - 2017) gắn bó với công tác phòng, chống HIV/AIDS, tên của chị Hạnh đã trở nên quen thuộc đối với hàng nghìn bệnh nhân. Mọi người đều dành cho chị những tình cảm biết ơn chân thành và sự cảm phục về những nỗ lực, tận tụy của chị với nghề.

    Nói đến công việc của mình, nữ y sĩ dáng người thấp bé có nụ cười nhân hậu chia sẻ, những bệnh nhân tìm chị, đa số đều không có việc làm ổn định, điều kiện kinh tế và chỗ ở còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng điều đáng buồn nhất là sự mặc cảm, tự ti khi họ bị mọi người xung quanh kỳ thị, kể cả người thân.

    Chính cái tâm và sự gần gũi đã kết nối chị Hạnh với bệnh nhân ngày một nhiều hơn. Ban đầu là những câu nói chuyện, hỏi han, sau đó chị Hạnh khéo léo thuyết phục, động viên họ vượt qua tình cảnh của chính mình. Bất kể ngày đêm, giờ giấc sớm hay muộn lúc nào bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cần giúp đỡ hỗ trợ chị đều có mặt, không quản ngại bất kể lí do gì.

    Năm 2013, chị Hạnh nhận phụ trách hoạt động của nhóm chăm sóc tại nhà và cộng đồng của Trung tâm. Với sự dìu dắt của chị, 14 thành viên tham gia đang là cánh tay nối dài, hỗ trợ đắc lực cho công tác kết nối, chăm sóc, tư vấn cho người nhiễm HIV/ADIS trên địa bàn thành phố. Nhóm này cùng chị Hạnh thường tuyên truyền, tư vấn cho người thân bệnh nhân đồng hành cùng người bệnh trong điều trị và nâng cao sức khỏe, kéo dài sự sống.

    Chị T. (quận Sơn Trà) trước là bệnh nhân, nay là thành viên tham gia nhóm chia sẻ: “Cho đến nay, tôi luôn nghĩ đến và cảm ơn chị Hạnh, thật may mắn khi tôi gặp được chị. Bởi nhờ có chị, tôi đã được tư vấn hỗ trợ điều trị ARV nâng cao sức khỏe, được tham gia các hoạt động chăm sóc, giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ và sống lạc quan hơn. Tôi mong muốn xã hội có nhiều người có tâm như chị Hạnh”.

    Hơn 50 tuổi - ở cái tuổi mà sức khỏe đã có nhiều hạn chế, chồng lại bị tai biến hạn chế khả năng lao động, chị Hạnh gánh trọng trách vừa làm mẹ vừa làm chồng. Bao nhiêu gánh nặng gia đình đặt trên đôi vai ấy, thế nhưng bất kể ngày hay đêm, sớm hay muộn, lúc nào bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cần giúp đỡ, hỗ trợ chị đều có mặt. Chị bảo chị làm chỉ vì một tâm niệm “người bệnh đau cũng như mình đau”.

    Y sĩ Trần Thị Kim Hạnh đã không ít lần hỗ trợ, cho tiền và vận động anh em cán bộ trong khoa, phòng, "mạnh thường quân",… quyên góp giúp bệnh nhân nghèo có thêm kinh phí để có điều kiện chữa trị. Vào các ngày Lễ, Tết thiếu nhi 1/6 và trung thu, chị còn đứng ra tổ chức các hoạt động kỷ niệm cho trẻ bị lây nhiễm để các em cũng được tận hưởng những ngày lễ như bao đứa trẻ khác.

    Với chị Hạnh, gần gũi chăm sóc, hỗ trợ bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS là một niềm vui. Niềm vui đó còn được nhân lên khi có những bệnh nhân HIV/AIDS vượt qua cơn khủng hoảng tinh thần, đã và đang cố gắng điều trị dần hồi phục để kéo dài sự sống, làm kinh tế gia đình và những công việc ý nghĩa.

    Bà Phạm Thị Đào, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thành phố cho biết: Đà Nẵng phấn đấu đạt mục tiêu 90 – 90 - 90 (90% số người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm, 90% số người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus liên tục và 90% số người được điều trị ARV ngay khi phát hiện nhiễm) vào năm 2020.

    Để đạt được mục tiêu đó, những người làm công tác như chị Hạnh có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng. Bản thân chị là đầu mối tham mưu cho lãnh đạo các biện pháp hoạt động hỗ trợ cho người nhiễm.

    “Là người gắn bó sâu sát tình hình của người nhiễm, y sĩ Hạnh không chỉ cung cấp các dịch vụ chăm sóc tại nhà và tại cộng đồng, hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân, gia đình bệnh nhân mà còn cung cấp kiến thức, kỹ năng cần thiết để chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm trong suốt quá trình điều trị; tư vấn về phòng ngừa lây nhiễm HIV sang người khác. Y sĩ Hạnh cũng vận động được những nguồn kinh phí giúp đỡ bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn… để từ đó những người lây nhiễm dần ổn định sức khỏe, nâng cao tinh thần trở thành người có ích”, bà Đào chia sẻ.

    Chân thành, tận tâm và cảm thông với người bệnh, những nỗ lực, đổi mới, sáng tạo của chị Hạnh đã được đền đáp bằng những danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở hay bằng khen, giấy khen của UBND thành phố và Sở Y tế. Năm 2014, chị Hạnh được UBND trao tặng danh hiệu Tỏa sáng Blouse trắng.

    Nữ y sĩ luôn đồng hành cùng bệnh nhân HIV/AIDS tâm sự, niềm vui hơn cả, sự ghi nhận hơn cả là sự vực dậy của bệnh nhân. Chị nói chị chỉ mong “mọi người hiểu HIV không phải là tệ nạn xã hội mà là căn bệnh mắc phải. Vì vậy đừng nên xa lánh, kỳ thị, khiến họ chết về tinh thần ngay trước khi thân thể khánh kiệt về với đất trời... Vì thế hãy giúp họ hòa nhập với cuộc sống”. Y sĩ Hạnh là một tấm gương sáng về tình thương, trách nhiệm và tận tụy đối với công việc “lương y như từ mẫu”.
    Minh Hồng

    Theo TTXVN
    Lần sửa cuối bởi Nguyen Ha, ngày 24-02-2017 lúc 14:34.

Thông tin về chủ đề này

Users Browsing this Thread

Có 1 người đang xem chủ đề. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •