Lẹo mắt - nguyên nhân và cách khắc phục
Chắp hay còn gọi là “Lẹo” là bệnh thường hay gặp, đặc biệt là vào mùa hè. Bệnh tuy không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng đến thẩm mỹ và khó chịu trong sinh hoạt. Đặc biệt loại bệnh này thường hay tái đi tái lại gây nên nhiều phiền phức.
Lẹo mắt là chứng viêm cấp tính, do một loại tụ cầu khuẩn xâm nhập vào tuyến chân lông mi hoặc vi khuẩn như staphylocoque gây nên.
Triệu chứng khi bị lẹo
- Mi mắt sưng nhẹ.
- Mắt hơi đỏ, ngứa, đau.
- Chảy nước mắt, cảm giác cộm ở mắt.
- Ở chỗ đau nổi lên một khối rắn to cỡ bằng hạt gạo.
- Lẹo thường mọc ở ngay bờ mi, dính chặt vào da mi.
- Sau 3-4 ngày lẹo mưng mủ và vỡ.
Lẹo ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày (Ảnh minh họa)
Các dạng lẹo
Lẹo bên ngoài: là một nốt đỏ ở mi mắt, kích thước và độ rắn giống như hạt đậu.
Lẹo bên trong: thường kín đáo hơn, nằm ở mặt trong của mi mắt, tức là phần kết mạc của mi, khi lật mi ra chúng ta có thể nhìn thấy được, trong một số trường hợp còn có thể thấy đầu mủ trắng của lẹo.
Đa lẹo: tức là có rất nhiều đầu lẹo trên một mi hay cả hai mi, thậm chí hai mắt.
Nguyên nhân:
- Do viêm mi mắt
- Dùng chung khăn
- Dùng nhiều mỹ phẩm.
Theo Đông y
- Do rối loạn hệ tiêu hóa, cản trợ sự hấp thu dinh dưỡng.
- Do ăn quá nhiều các thứ cay nóng như: ớt, hạt tiêu...khiến cho thấp nhiệt ngưng tụ lại làm nghẽn tắc mạch lạc mà gây nên.
Cách điều trị:
- Rửa mắt bằng nước muối, nhỏ mắt.
- Chườm nóng có thể giảm triệu chứng đau đối với các tổn thương sớm.
- Những lẹo to hoặc dai dẳng có thể sử dụng corticoid nhưng phải được bác sĩ khám và theo dõi.
- Cũng có thể chích lẹo, hoặc kết hợp cả hai phương pháp.
- Ngoài ra, lạnh đông hay laser được sử dụng thử nghiệm với một số trường hợp và cho kết quả tốt.
Có thể dùng phương pháp chích lẹo (Ảnh minh họa)
Những đồ không nên ăn
- Cần kiêng những thứ có tính kích thích như rượu, thuốc lá, hành, tỏi, ớt, hẹ, kinh giới.
- Không ăn những thức ăn có tính nhiệt như thịt dê, thịt chó, thủ lợn.
- Để giúp bệnh mau chóng hồi phục, nên hạn chế cả các món thủy sản và hải sản.
Cách phòng ngừa:
- Không chà mắt vì điều này có thể gây kích ứng mắt và nhiễm trùng lây lan.
- Đeo kính an toàn mỗi khi đi ra đường, đặc biệt khi làm việc nhà như dọn dẹp nhà cửa..
- Tránh đến những nơi bụi bẩn hoặc nơi bị ô nhiễm không khí nặng nề.
- Tẩy trang cho mắt sạch sẽ sau khi trang điểm mắt.
- Thay mascara ít nhất 6 tháng/ lần bởi vì vi khuẩn có thể phát triển khi mắt được trang điểm.
- Tránh dùng chung khăn tắm, khăn lau, hoặc đồ trang điểm mắt.
- Rửa tay thường xuyên và luôn để tay rời xa khỏi tầm mắt, đặc biệt là khi chăm sóc cho một người khác với một mụn lẹo ở mí mắt hay bất kỳ loại nhiễm trùng nào khác.
- Hãy xử lý với bất kỳ tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng mí mắt kịp thời. Nếu không có thể lây lan sang các tuyến dầu của mí mắt và gây ra một mụn lẹo ở mí mắt.
Không sử dụng chung đồ trang điểm (Ảnh minh họa)
Lời kết
Trong môi trường ô nhiễm như hiện nay, việc lên lẹo rất hay gặp và thường tái phát, lan từ mi này sang mi khác, có khi sưng to cả mi mắt và gây ứ phù màng tiếp hợp rất nguy hiểm.
Lẹo có thể khởi phát cấp tính hoặc âm ỉ và thường tự tiêu tan sau nhiều tuần. Tuy nhiên, nếu thấy lẹo sưng đau, mắt khó nhìn, chảy máu... không được chủ quan, hãy tới bác sĩ chuyên khoa mắt để được khám và tư vấn điều trị.