Cuộc đấu tranh với định kiến về bao cao su

Thứ sáu 23/05/2014 12:00
Những loại hình bao cao su đầu tiên đã ra đời cách đây hơn 5 thế kỷ, nhưng cho đến hôm nay, thứ công cụ hữu dụng ấy vẫn còn đang phải trải qua một cuộc chiến dai dẳng để đi tìm sự thừa nhận.

Cuộc đấu tranh đòi sự công bằng cho bao cao su vẫn đang diễn ra sôi nổi, từ cột mốc thời gian dấu ấn trong lịch sử, cho đến khi công nghệ phát triển mạnh mẽ và từ những vùng đất lạc hậu cho đến những quốc gia mang danh phát triển nhất.
Ngày 3/3/1873 là một mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của bao cao su tại nước Mỹ. Hôm đó, Quốc hội Mỹ đã thông qua một điều luật sau này được biết đến dưới cái tên “Đạo luật Comstock” - cấm phát hành và phân phối các “ấn phẩm khiêu dâm”.Đạo luật lấy theo tên của Anthony Comstock - một nhà hoạt động xã hội ở New York, người đã liên tục đấu tranh cho đạo đức xã hội, trong đó các “nội dung tình dục” là một dạng tội lỗi có thể tạo ra bệnh tật. Ông Anthony Comstock đã viết thư cho Tổng thống Mỹ, thuyết phục quốc hội thông qua đạo luật này.Về sau, Comstock được bổ nhiệm làm thanh tra của Bưu điện Mỹ có quyền chặn mọi “nội dung tình dục” được chuyển phát qua đường thư tín. Vì thế, mọi hình thức phát tán các tài liệu giáo dục giới tính cũng bị cấm theo. Đến tận hơn 50 năm sau, nước Mỹ vẫn có người bị phạt vì phát tán những sổ tay giáo dục giới tính.Với phương thức hoạt động rõ ràng và tính năng không thể tranh cãi, bao cao su có một quá trình phát triển “vũ bão”. Trong một cuốn sách thế kỷ 19, có tranh vẽ Giacomo Casanova, tay chơi huyền thoại của thành Venice, đang cùng bạn hồn nhiên thổi phồng những chiếc bao cao su làm bằng nội tạng động vật để kiểm tra độ kín của nó. Nhưng khi những rào cản văn hóa và tôn giáo vẫn chưa tôn trọng hành vi tình dục một cách đúng đắn thì bao cao su vẫn còn gặp nhiều thách thức.
Dây chuyền sản xuất bao cao su
Những biện pháp phòng tránh thai không được tuyên truyền dẫn đến nhiều bi kịch, nhất là tình trạng tự phá thai ở những phụ nữ nghèo và bệnh lây lan qua đường tình dục bùng nổ. Sau nhiều hoạt động đấu tranh xã hội, sau cả những phiên tòa căng thẳng, đến năm 1937, “phòng tránh thai” mới được thừa nhận là một hoạt động y tế thông thường ở Mỹ.Đó là ví dụ tiêu biểu cho những thử thách mà bao cao su đã đối mặt, một thứ định kiến xã hội được quy chuẩn thành luật pháp. Đến hôm nay, ranh giới giữa “sự đồi trụy” và “giáo dục giới tính” đã được phân định. Nhưng cho dù không còn đạo luật Comstock thì những định kiến vẫn còn tồn tại, việc đánh đồng sự xuất hiện của chiếc bao cao su với hành vi dâm ô vẫn tồn tại đâu đó tại một số nước.“Tôi không bao giờ bán bao cao su trong cửa hiệu của mình, thật chẳng khác nào nhà chứa” - một chủ cửa hàng tạp hóa ở Kenya nói. “Tôi đủ thông minh để biết đàn ông nào nhiễm HIV, tôi không phải gái điếm mà dùng bao cao su” - một phụ nữ Kenya phát biểu.Đó không chỉ là vấn đề ở châu Phi. Ở nhiều nơi trên nước Mỹ, bao cao su vẫn được coi là bằng chứng cho các vụ bắt đường dây mại dâm. Phương pháp này vấp phải sự phản đối rất dữ dội từ dư luận, phải đến tháng 4/2014 mới đây, New York mới trở thành địa phương đầu tiên cấm cảnh sát không được coi bao cao su là bằng chứng.Còn rất nhiều loại rào cản khác nữa, bao gồm cả cản trở từ chính phía nam giới. Ngoài những phương pháp thông thường như tuyên truyền bằng biểu ngữ hay phát miễn phí bao cao su thì cuộc vận động thiên biến vạn hóa ở khắp nơi. Ở Úc, người ta treo bao cao su lên những cây bạch đàn như là hoa để thu hút sự chú ý.
Ở Thụy Sĩ, người ta sáng tạo một trò chơi điện tử mang tên “Bắt tinh trùng”, với ý tưởng đơn giản là người chơi dùng bao cao su để túm những chú tinh trùng đang chạy. Ở Ấn Độ, một bản nhạc chuông với nội dung về bao cao su thu hút gần 1 triệu lượt người tải.Cạnh đó là những nỗ lực cải tiến bao cao su. Nổi tiếng nhất phải kể đến chiến dịch của tỉ phú Bill Gates vào năm 2013. Vốn là người đã dành rất nhiều tâm sức để chống lại đại dịch HIV/AIDS trên toàn cầu, ông treo giải 100.000 USD cho một thiết kế bao cao su có thể “bảo tồn hoặc tăng cường khoái cảm” nhằm khuyến khích đàn ông tăng cường sử dụng chúng.Nhà hoạt động xã hội này không hề tìm cách chống lại định kiến, mà đơn giản là chấp nhận nó và tìm cách khắc phục. 812 bài dự thi đã được gửi đến. Trong đó, 11 mẫu thắng giải, được chính Bill Gates tự tay chọn lựa, mỗi nhóm sẽ nhận 100.000 USD để phát triển sản phẩm này. Trong số đó, có những ý tưởng rất đột phá, vài mẫu trở nên phổ biến và được sản xuất đại trà trước cả khi thắng giải.Cuộc chiến giữa bao cao su và những định kiến chắc chắn sẽ còn tiếp diễn trong tương lai. Những phát kiến sẽ còn đi xa hơn nữa. Nhưng như lịch sử phát triển của chính bao cao su đã chỉ ra, định kiến khó chiến thắng được, một điều rất thực tế trong cuộc sống là “chúng ta cần bao cao su”.
Thanh TràTheo Tuổi trẻ