T-Huế: Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi tự phòng lây nhiễm HIV/AIDS
Thứ sáu 06/04/2018 08:34

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS, ngoài các hoạt động can thiệp, chăm sóc, điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, tỉnh Thừa Thiên-Huế đặc biệt tăng cường tuyên truyền, vận động, giúp cộng đồng nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thái độ để tự phòng bệnh cho chính bản thân mình.


Người bệnh làm thủ tục điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone. Ảnh: Trà My

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, tính đến tháng 2/2018, lũy tích trên địa bàn toàn tỉnh có 322 người nhiễm HIV còn sống, trong đó, 296 người ở Thừa Thiên-Huế; 7 trường hợp ngoại tỉnh và 19 trường hơp là phạm nhân ở trạm giam Bình Điền.
Thời gian qua, để đẩy lùi dịch bệnh, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đẩy mạnh các chương trình, hoạt động thông tin giáo dục thay đổi hành vi ở các xã, phường với nhiều hình thức, nội dung phong phú.
Bên cạnh đó, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng, sử dụng nhóm tuyên truyền viên, đồng đẳng viên, cộng tác viên, y tế thôn bản để tuyền thông đến các khu dân cư về chống kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS.
Qua các hoạt động, TTPC HIV/AIDS tỉnh tổ chức kiểm tra, giám sát định kỳ tại cơ sở, nhằm đánh giá và đề ra kế hoạch, nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tiếp theo. Những hoạt động trên đã giúp người dân từ đồng bằng đến miền núi, vùng sâu, vùng xa hiểu biết các thông tin về HIV/AIDS và góp phần làm hạn chế sự lây nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư.
Thông qua các hoạt động truyền thông, người dân không chỉ được tiếp cận thông tin, nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS mà còn từng bước hạn chế sự phân biệt đối xử, kỳ thị với người nhiễm HIV. Việc này giúp cho người nguy cơ cao lây nhiễm HIV nhận thức được nguy cơ của mình và chủ động đi xét nghiệm.
Ngoài công tác tuyên truyền, vận động, các hoạt động can thiệp, dự phòng lây nhiễm tại cộng đồng cũng được chú trọng. Hàng năm, thông qua đội ngũ cán bộ y tế, nhân viên tiếp cận cộng đồng, Trung tâm cấp phát bao cao su và bơm kim tiêm miễn phí cho các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao tại các địa bàn, địa điểm nhạy cảm.
Song song với công tác tuyên truyền, vận động, chương trình chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS đã được kiện toàn. Đặc biệt, Trung tâm đã huy động sự tham gia của cộng đồng, gia đình trong việc tiếp cận người nhiễm HIV để theo dõi, chăm sóc quản lý; tăng cường công tác tiếp thị, tư vấn, tập huấn cho bệnh nhân AIDS điều trị ARV và điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội bằng Cotrimoxazol. Hiện, có 307/322 trường hợp bệnh đang được điều trị thuốc ARV, sức khỏe cải thiện tốt. Hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con được thực hiện, dự phòng hiệu quả, giảm tối đa trẻ bị lây truyền HIV từ mẹ.
Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone được triển khai hiệu quả với mô hình “3 trong 1”: Tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện (VTC), phòng khám ngoại trú điều trị cho người nhiễm HIV (OPC) và điều trị Methadone giúp người dân được tiếp cận các dịch vụ, được chăm sóc toàn diện.
Mô hình lồng ghép tạo điều kiện đưa bệnh nhân ở địa phương tham gia điều trị Methadone vượt kế hoạch đề ra hàng năm. Hiện tại, có hơn 260 trường hợp điều trị thuốc Methadone, vượt hơn 60 trường hợp so với chỉ tiêu Chính phủ giao đến năm 2020.


Trà My


http://tiengchuong.vn/HIVAIDS/TTHue-...AIDS/27153.vgp