Bình Thuận: Xóa bỏ kỳ thị với người nhiễm HIV ngay từ cộng đồng
Thứ tư 11/04/2018 16:25

Theo số liệu thống kê, tính từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện năm 1994, đến nay Bình Thuận phát hiện hơn 1.300 người nhiễm HIV, hơn 500 người chết vì HIV/AIDS, hơn 800 người còn sống, trong đó 750 người đang được điều trị bằng thuốc ARV. Tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư là 104/100.000 dân.


Điều trị Methadone cho người nghiện ma túy giúp giảm các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV, cải thiện tình trạng sức khỏe cho bệnh nhân.
Ảnh: Thùy Chi

Theo số liệu thống kê, tính từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện năm 1994, đến nay Bình Thuận phát hiện hơn 1.300 người nhiễm HIV, hơn 500 người chết vì HIV/AIDS, hơn 800 người còn sống, trong đó 750 người đang được điều trị bằng thuốc ARV. Tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư là 104/100.000 dân.
Năm 2017, toàn tỉnh phát hiện 201 trường hợp nhiễm HIV mới. Phân bố tỷ lệ người nhiễm HIV theo giới, số nhiễm của nam (37,95%) cao hơn nữ (32,05%). Số người lây truyền qua đường tình dục chiếm tỷ lệ cao nhất 62,82%, kế tiếp có 26,92% tỷ lệ người nhiễm HIV không rõ đường lây truyền. Lây nhiễm qua đường máu, từ mẹ sang con chiếm tỷ lệ thấp (5,13%).
Một trong những nguyên nhân của phân biệt đối xử, kỳ thị là do thiếu hiểu biết hoặc hiểu không đầy đủ về HIV/AIDS. Chị Nguyễn Thị Lệ Chi, Phó Chủ tịch UBND phường Phước Hội (thị xã La Gi) chia sẻ: Để chống kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV, địa phương đã xác định công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS là một nhiệm vụ quan trọng để thay đổi hành vi của người dân, đặc biệt là các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao. Trong những năm qua, phường đã huy động đồng bộ các kênh truyền thông hiện có trên địa bàn và được triển khai rộng khắp với sự nỗ lực, vào cuộc của cả cộng đồng, của mọi cấp, mọi ngành. Lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương thông qua phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”; vận động cộng đồng mở rộng vòng tay giúp đỡ người nhiễm HIV/AIDS, không kỳ thị, phân biệt đối xử với họ. Đây cũng được coi là giải pháp chính để thực hiện mục tiêu không còn sự kỳ thị đối với người nhiễm HIV/ AIDS.
Anh Mai Xuân, cán bộ chuyên trách phòng chống HIV/AIDS xã Chí Công, huyện Tuy Phong tâm sự: Chúng ta cần phải thay đổi cách nghĩ về HIV/AIDS. Đó là vấn đề sức khỏe không dành cho riêng ai; mọi người đều có thể mắc nếu không hiểu biết, có hành vi nguy cơ hay để nguy cơ tiềm ẩn trong cộng đồng. Tập trung vận động sự ủng hộ của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức tự nguyện và các cá nhân đối với các hoạt động chống kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người nhiễm HIV tham gia các hoạt động ở địa bàn dân cư.
HIV/AIDS là một bệnh mà ai cũng có thể mắc, không phải là một điều xấu xa hay tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS đã làm tăng thêm nguy cơ lây nhiễm HIV và trở thành một rào cản trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, làm cho đại dịch càng trở nên nghiêm trọng hơn. Để giải quyết vấn đề này, rất cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp bắt đầu ngay từ cộng đồng.
Năm 2018, địa phương phấn đấu khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,2%. Cụ thể, 100% xã, phường, thị trấn tham gia hoạt động phòng chống HIV/AIDS nhằm giảm số người nhiễm mới HIV trong nhóm nghiện chích ma túy, lây truyền qua đường tình dục; 80% người nhiễm HIV được quản lý điều trị thuốc kháng virus HIV; 80% người nghiện ma túy được tiếp cận điều trị thuốc thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone…
Từ năm 2018 , tại Bình Thuận, thuốc ARV sẽ được thanh toán qua bảo hiểm y tế, do đó Bình Thuận phấn đấu 100% người nhiễm HIV/AIDS có thẻ bảo hiểm y tế để được điều trị bằng ARV. Những trường hợp quá khó khăn không có tiền mua bao hiểm y tế, ngân sách địa phương sẽ hỗ trợ mua ARV, nhằm bảo đảm 100% bệnh nhân HIV/AIDS được điều trị như Chính phủ chỉ đạo.

Thanh Tâm


http://tiengchuong.vn/HIVAIDS/Binh-T...dong/27240.vgp