Chương trình Methadone: Giảm nguy cơ lây nhiễm HIV
Thứ Hai, 22/07/2013 03:09 (GMT+7)
GiadinhNet - Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm, diễn ra sáng 8/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Tỷ lệ người nghiện ma túy được điều trị bằng Methadone có các hành vi vi phạm pháp luật đã giảm xuống còn 1,34% sau 24 tháng điều trị, tỷ lệ người có những hành vi tạo xung đột gia đình cũng giảm còn 2,27%.
Cấp thuốc điều trị thay thế cho người nghiện ma túy tại cơ sở điều trị số 2, phường Túc Duyên, TP Thái Nguyên. Ảnh: TL
Hiệu quả điều trị bằng Methadone
Thông tin từ Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, trong 5 năm qua, Chương trình Methadone tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ sử dụng các chất dạng thuốc phiện đã giảm từ 100% (ở tất cả các người bệnh trước khi bắt đầu điều trị) xuống còn 14% sau 24 tháng điều trị. Ngay cả những người bệnh còn sử dụng heroin, tần suất sử dụng heroin cũng đã giảm rõ rệt (từ 60 lần/tháng xuống 1-2 lần/tháng sau 3 tháng điều trị).
Ngoài ra, khi sử dụng Methadone đều đặn sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh. Đa số người bệnh tham gia điều trị đã có những cải thiện về sức khỏe, chuyển biến tích cực về thái độ cũng như cuộc sống (thang đo chất lượng cuộc sống tăng từ 69 lên 81 điểm cho sức khoẻ). Nhiều người bệnh trước đây chưa có việc, hiện nay đã, đang tích cực tìm việc làm và dành thời gian hỗ trợ gia đình.
Nghiên cứu của Bộ Y tế trên 1.000 bệnh nhân ở 6 cơ sở điều trị tại Hải Phòng cũng cho thấy, chất lượng cuộc sống, sức khỏe của người được điều trị bằng Methadone được cải thiện đáng kể. Nhiều người đã có việc làm, hành vi vi phạm pháp luật giảm rõ rệt.
Cùng với việc dừng hoặc giảm mức độ sử dụng ma tuý, các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị đã có sự cải thiện. Tỷ lệ sử dụng chung bơm kim tiêm giảm đi rõ rệt, số bệnh nhân sử dụng bao cao su thường xuyên trong quan hệ tình dục (kể cả với phụ nữ bán dâm, cũng như với bạn tình) tăng lên.
Ngoài tác động tích cực đến người bệnh, việc sử dụng Methadone điều trị cho người nghiện còn mang lại nhiều hiệu quả khác như: Giảm tỷ lệ người nghiện; giảm nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm lây qua đường máu như viêm gan B, C do bệnh nhân sử dụng Methadone bằng đường uống.
Mở rộng thêm cơ sở điều trị
Triển khai thực hiện Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ, đã có 36 tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai điều trị bằng Methadone với nhu cầu thiết lập mới 42 cơ sở điều trị. Như vậy, cả nước sẽ có 56 tỉnh, thành phố thực hiện điều trị nghiện ma túy bằng Methadone với 103 cơ sở điều trị.
Tính đến ngày 31/6/2013, Chương trình điều trị bằng Methadone đối với người nghiện các chất ma tuý đang phát huy hiệu quả tích cực tại 20 tỉnh với 61 điểm điều trị cho 13.838 bệnh nhân. Riêng 6 tháng đầu năm 2013, 61 cơ sở đã điều trị cho 1.533 bệnh nhân mới, tăng 12,9% so với cuối năm 2012.
Đối với Methadone, người dùng phải chịu sự giám sát chặt chẽ về liều lượng của cán bộ điều trị, phải đến lấy thuốc hàng ngày, nhờ vậy sẽ không còn nguy cơ bị tử vong do sử dụng ma túy quá liều như trước đây. Bên cạnh đó, Nhà nước bớt được một phần gánh nặng chi phí điều trị do bệnh nhân cùng chi trả. Chi phí cho điều trị cai nghiện thay thế bằng Methadone khá rẻ, (15.000 đồng/người/ngày), trong khi trung bình mỗi người sử dụng ma túy trước đó tiêu tốn 150.000 đồng/ngày. Với trên 13.000 bệnh nhân đang được điều trị bằng liệu pháp này, mỗi năm tiết kiệm khoảng 1.000 tỷ đồng.
TS Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, từ nay đến năm 2015 sẽ mở rộng thêm 250 cơ sở điều trị, với khoảng 80.000 người sẽ được cai nghiện bằng Methadone. Việc triển khai mở rộng chương trình điều trị này từ nay đến năm 2015 và những năm tiếp theo sẽ là một trong những biện pháp can thiệp giảm tác hại quan trọng nhất giúp dự phòng lây nhiễm HIV hiệu quả trong nhóm người nghiện chích ma túy và từ nhóm này ra cộng đồng. Đóng góp to lớn vào việc hoàn thành mục tiêu khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% vào năm 2020 theo quy định tại chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 608/QĐ-TTg ngày 25/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Góp phần quan trọng vào công tác đảm bảo an sinh, an toàn xã hội và sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, chính trị, xã hội của nước ta trong những năm tới đây.
Sau 5 năm triển khai điều trị Methadone tại Việt Nam, chương trình đã mang lại nhiều hiệu quả rõ rệt. Quan trọng hơn, đã phản ánh bằng sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị từ Trung ương cho đến địa phương, thể hiện tính nhân văn cao đẹp của chế độ đối với những con người lầm lỡ.
Methadone là một chất đồng vận với các chất dạng thuốc phiện, thuộc nhóm Opiates. Methadone nằm trong danh mục các thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế Thế giới, được quản lý nghiêm ngặt theo Công ước năm 1961 về ma tuý.
Methadone được chỉ định điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện, là một giải pháp can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV, có nhiều ưu điểm như giá rẻ, dễ kiểm soát, hạn chế việc lây nhiễm HIV... đã được triển khai tại gần 80 nước trên thế giới.
Thiện Â