63.000 người đang chờ được điều trị nghiện bằng Methadone

07:05 CH, 06/01/2014

(Chinhphu.vn) – So với mục tiêu mà Chính phủ đề ra thì từ nay đến năm 2015, vẫn còn khoảng 63.000 người đang chờ được điều trị nghiện bằng Methadone.


Ảnh: VGP/Thúy Hà

Thông tin trên được ông Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ Chuyên gia của UBQG phòng, chống AIDS và ma túy, mại dâm cho biết tại Hội thảo “Giải pháp mở rộng và duy trì bền vững chương trình điều trị nghiện bằng thuốc Methadone", tổ chức ngày 6/1 tại Hà Nội.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC), để liệu pháp điều trị nghiện bằng thuốc Methadone có thể mang lại lợi ích tối đa thì độ bao phủ của chương trình điều trị bằng Methadone cần đạt được mức tối thiểu là 20-39%. Bằng chứng từ các nước Tây Âu và Australia cho thấy khi độ bao phủ vượt mức 40% thì dịch HIV ở nhóm người nghiện chích ma túy được khống chế và giảm.

Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam cũng mới chỉ điều trị được khoảng 17.000 người nghiện tại 29 tỉnh, thành phố trong cả nước, tương đương độ bao phủ điều trị bằng thuốc Methadone ở Việt Nam mới chỉ đạt 5-9%, ông Nguyễn Khắc Định cho biết.
Nguyên nhân của thực trạng trên là do trong những năm qua, chi phí vận hành cho các hoạt động chăm sóc và điều trị HIV/AIDS nói chung và điều trị nghiện bằng Methadone nói riêng phần lớn là dựa vào tài trợ quốc tế, với khoảng 90%.

Trong khi đó tại Việt Nam, mới chỉ có 1 doanh nghiệp được tham gia sản xuất thuốc Methadone. Hiện nguồn thuốc Methadone ở nước ta vẫn nhập khẩu chủ yếu ở nước ngoài.
Do đó, để đạt mục tiêu đến năm 2015 sẽ điều trị cho khoảng 80.000 người nghiện ma túy thì phải đòi hỏi các hành động thiết thực của các cấp chính quyền từ Trung ương tới địa phương.

Cụ thể, các địa phương cần đưa việc chuyển, gửi người nghiện điều trị Methadone là một chỉ tiêu của địa phương cần phấn đấu. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ khuyến khích và tạo điều kiện đẩy mạnh mô hình xã hội hóa hoặc tư nhân hóa điều trị Methadone theo nhu cầu, ông Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia y tế, phương pháp điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone hướng đến việc phục hồi sức khỏe người nghiện dần dần và lâu dài. Đặc biệt, trong thời gian điều trị, bệnh nhân đến các cơ sở điều trị uống thuốc hằng ngày dưới sự giám sát của cán bộ y tế, được sống cùng gia đình, được quan tâm, chăm sóc nên sớm hòa nhập cộng đồng và góp phần đảm bảo an ninh trật tự.

Được biết, sau hội thảo này, lãnh đạo UBND và các sở, ngành, địa phương sẽ cam kết xây dựng kế hoạch/chương trình hành động cụ thể và gửi tới Văn phòng Chính phủ và 3 cơ quan thường trực Ủy ban quốc gia (Bộ Y tế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Công an) cũng như cập nhật tiến độ thực hiện kế hoạch mở rộng và duy trì các cơ sở điều trị Methadone tại các địa phương.