Lào Cai: 70% người nghiện được cai tại trung tâm

Thứ bảy 27/12/2014 16:55

Từ năm 2005 đến nay, mỗi năm Lào Cai tổ chức cai nghiện cho khoảng gần 1.000 lượt người nghiện ma túy. Trong đó, 30% được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, 70% được cai nghiện tại các trung tâm chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội.



Điều trị nghiện bằng Methadone giúp người nghiện cải thiện sức khỏe, tái hòa nhập cộng đồng

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội trong thời gian qua của Lào Cai đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội dự báo vẫn diễn biến phức tạp.

Số liệu thống kê của Sở Lao động, Thương binh xã hội Lào Cai cho thấy, hiện Lào Cai có 53/164 xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy. Tổng số người nghiện khoảng trên 4.210 người; phân theo nghiện các loại ma tuý (thuốc phiện 350, cần sa 07, cocain 01, heroin 3.492, ma tuý tổng hợp 266, ma tuý khác 41, sử dụng nhiều loại ma tuý 41). Số người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh có diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng; đặc biệt là nhóm thanh niên ở trung tâm thành phố, thị trấn. Đối tượng tập trung chủ yếu ở nhóm người không có việc làm và có việc làm không ổn định. Đây cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội và nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS.

Đáng chú ý, đến nay hầu hết số người nghiện hút thuốc phiện ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, theo thói quen đã được xóa bỏ, nhờ đẩy mạnh công tác cai nghiện ma túy tại cộng đồng, đã có hàng nghìn người nghiện được cắt cơn, phục hồi sức khỏe. Tỷ lệ nghiện ma tuý ở người dân tộc thiểu số thấp hơn so với người Kinh khoảng 2,38 lần (có 1.924 người dân tộc thiểu số/2.288 người Kinh nghiện, trong khi tổng số người dân tộc thiểu số chiếm gần gấp đối người Kinh). Có 85 người nghiện từ 16-18 tuổi, 683 người nghiện có công việc ổn định.

Để xóa bỏ tệ nạn ma túy, từ năm 2010 đến nay, các cơ quan chức năng tỉnh đã phối hợp với các ngành, địa phương và cơ quan truyền thông tổ chức trên 1.000 buổi tuyên truyền đẩy mạnh các hoạt động đấu tranh phòng, chống ma túy, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ ma túy trên địa bàn và tác hại của ma túy, tội phạm ma túy.

Bên cạnh đó, 100% các xã phường, thôn, tổ nhân dân, các bản làng vùng cao và các trường học trên địa bàn đã tham gia ký cam kết xây dựng xã, phường, đơn vị, trường học không có ma túy.

Đại diện của Sở Lao động, Thương binh Xã hội tỉnh cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục tạo sự chuyển biến mạnh về nhận thức. Đồng thời, nâng cao vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền và trách nhiệm của xã hội và cộng đồng trong phòng chống ma túy, phòng chống các tệ nạn xã hội do ma túy gây ra.

Thời gian qua, tỉnh đã xây dựng cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone theo mô hình xã hội hóa giai đoạn 2013 - 2020. Hiện tỉnh đã tiếp nhận, điều trị cho gần 300 bệnh nhân, dù vẫn đang trong thời gian thử nghiệm.

Trong năm 2014, cơ sở xã hội hóa đã tiếp tục nhận và duy trì điều trị, nâng tổng số người được điều trị lên lên con số 400. Đồng thời, liên kết với các trường nghề, các cơ sở dịch vụ đào tạo, dạy nghề, việc làm để tổ chức tư vấn học nghề, tìm kiếm việc làm, ổn định tâm lý và cuộc sống cho bệnh nhân.

Điều trị nghiện các dạng thuốc phiện bằng Methadone vừa chi phí thấp, vừa giúp người nghiện có thời gian học tập và lao động sản xuất tại gia đình, địa phương. Bên cạnh đó, người điều trị cũng thường xuyên được sự chăm sóc, giúp đỡ, động viên từ gia đình. Vì vậy, tỉnh có thể sẽ đánh giá mô hình thí điểm để nhân rộng tại một số địa phương đông dân cư, có nhiều đối tượng nghiện hút.

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số học viên đang được cai nghiện phục hồi, quản lý sau cai tại các trung tâm, cơ sở cai nghiện cộng đồng và các câu lạc bộ quản lý sau cai nghiện khoảng 2.000 người, chiếm trên 50% đối tượng thực có trên địa bàn. Con số tái hòa nhập sau cai nghiện tuy có tăng nhưng ở mức độ còn chưa cao một phần do cở sở cai nghiện chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế.
Thúy Vân
http://tiengchuong.vn/