Chính phủ đã công nhận tầm quan trọng của phương pháp điều trị duy trì bằng Methadone

(LĐ)

Hình: Giảm tỷ lệ tội phạm nhờ điều trị nghiện bằng Methadone tại Hải Phòng


Được đưa vào triển khai từ năm 2008, đến nay, chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone (gọi tắt là chương trình Methadone) đã phát huy hiệu quả rõ rệt, được Chính phủ và các Bộ, ban ngành đánh giá cao, khẳng định vai trò là một biện pháp quan trọng trong giải quyết vấn nạn nghiện.


Tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma tuý, mại dâm năm 2011 và triển khai nhiệm vụ năm 2012, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận, chương trình Methadone cơ bản đạt được kết quả tốt trong việc điều trị nghiện, có hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội, cần được tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng với mục tiêu đến cuối năm 2015 sẽ điều trị thay thế bằng Methadone cho khoảng 80.000 người nghiện ma túy tại 30 tỉnh, thành phố, đồng thời đẩy mạnh xã hội hoá các cơ sở điều trị Methadone.

Ông Phạm Đức Mạnh, Phó cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, đến nay trên toàn quốc có 170.000 người sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý. Chương trình điều trị bằng Methadone đã được triển khai trên 29 tỉnh thành với 74 cơ sở điều trị, đã và đang chữa trị cho gần 14.785 người nghiện. Tổng kết chương trình cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân tuân thủ phác đồ điều trị đạt 93%; không có bệnh nhân nào tử vong do điều trị quá liều hoặc do tác dụng phụ của thuốc. Sau 24 tháng điều trị, tỷ lệ bệnh nhân tham gia điều trị sử dụng ma túy đã giảm chỉ còn 14%.

Với những thành công này, Chính phủ đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng nhằm nâng cao chất lượng và quy mô chương trình. Nghị định 96 đã thể hiện khung pháp lý hoàn thiện, quy định về việc sử dụng các chất dạng thuốc phiện thay thế trong điều trị nghiện ma túy. Các văn bản hướng dẫn thực hiện, khung giá dịch vụ điều trị, hướng dẫn chuyên môn và quản lý cơ sở, nội dung đào tạo nhân lực cho chương trình đều được xây dựng, ban hành và có kế hoạch thực hiện, giám sát cụ thể. Nhiều hội thảo, hội nghị được tổ chức ở các địa phương, các bản tin được cập nhật thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức về hiệu quả của chương trình. Mới đây, Chính phủ đã ra quyết định đợt 1 cho phép 5 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn sản xuất Methadone để chủ động nguồn thuốc, đáp ứng nhu cầu trong nước.

Ngoài ra, chương trình còn đem lại hiệu quả nhất định trong việc giảm tỷ lệ tội phạm và lây nhiễm HIV. Báo cáo của Cục phòng, chống AIDS cho thấy, sau khi được điều trị bằng Methadone 24 tháng, tỷ lệ nhiễm HIV mới trong bệnh nhân tham gia điều trị là 0,5%; tỷ lệ bệnh nhân còn sử dụng chung bơm kim tiêm đã giảm hẳn và tỷ lệ sử dụng bao cao su thường xuyên tăng lên theo thời gian điều trị; tình trạng bệnh nhân xung đột với gia đình cũng giảm nhanh xuống còn 2%; tỷ lệ vi phạm pháp luật giảm xuống còn hơn 1%; tỷ lệ có việc làm đạt gần 76%. Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 mới được phê duyệt, là cơ sở pháp lý để đẩy mạnh chương trình, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% vào năm 2020.

Với những chuyển biến về chính sách đối với việc phát triển và mở rộng chương trình Methadone trong 5 năm vừa qua, có thể khẳng định rằng Chính phủ đã xem chương trình như một tiêu điểm cần đầu tư và đẩy mạnh triển khai nhằm góp phần thiết yếu vào thành công của công tác dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS trên toàn lãnh thổ Việt Nam.


Hình: Giảm tỷ lệ tội phạm nhờ điều trị nghiện bằng Methadone tại Hải Phòng

Cùng với những hiệu quả đáng kể trên, chương trình điều trị thay thế bằng Methadone còn mang lại hiệu quả kinh tế cao với quy mô điều trị 250 bệnh nhân/cơ sở điều trị, chi phí trung bình chỉ khoảng 15.000 đồng/người/ngày (trong khi trung bình 1 người sử dụng ma túy tiêu tốn 230.000 đồng/ngày), ước tính tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm.
Theo Cục phòng, chống AIDS Bộ Y tế

http://laodong.com.vn/xa-hoi/chinh-p...one-159305.bld