Thanh Hóa mở rộng điều trị Methadone
10:57
| 11/03/2014
Cùng với 2 cơ sở thành lập ban đầu ở Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh và Trung tâm y tế thành phố, đến nay, Thanh Hóa đã có 6 cơ sở điều trị Methadone với 826 bệnh nhân. Điều trị Methadone đang trở thành một liệu pháp hữu hiệu để dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS trong nhóm nghiện chích ma túy, từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống cho người nhiễm HIV/AIDS và phòng ngừa mức độ lây nhiễm trong cộng đồng, giúp người có HIV/AIDS xóa bỏ mặc cảm, sống hòa nhập cộng đồng.
Ảnh minh họa. Nguồn: baolangson.vn
Theo báo cáo của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Thanh Hóa, trong 826 bệnh nhân đang điều trị tại 6 cơ sở gồm: Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh, Trung tâm y tế thành phố Thanh Hóa, Trung tâm y tế huyện Mường Lát, Quan Hóa, Cẩm Thủy và thị xã Sầm Sơn đã có 615 người giảm, dừng sử dụng và không còn thèm nhớ ma túy, heroin (chiếm 74%), trong số đó, có nhiều người hiện đang điều trị liều duy trì rất thấp, chỉ 5mg (so với liều trung bình là 15mg). 70% số bệnh nhân tăng cân với mức trung bình từ 2 - 4 kg sau 3 tháng điều trị. Tác dụng thể hiện rõ nhất là cả sức khỏe thể chất và tinh thần của người tham gia điều trị được cải thiện đáng kể. Người nghiện khi tham gia điều trị bằng thuốc Methadone vẫn có thể giữ được đầu óc tỉnh táo, không lên cơn thèm các loại ma túy, không phải tìm mọi cách xoay sở để có tiền chích, hút như trước.Tại 2 cơ sở điều trị Methadone mới mở cuối năm 2013 là Trung tâm y tế huyện miền núi Mường Lát và Quan Hóa, bước đầu đã có 41 bệnh nhân được điều trị, trong đó cơ bản là bệnh nhân đang trong giai đoạn dò liều, điều chỉnh liều.Để công tác điều trị đạt hiệu quả cao, 2 cơ sở này tiến hành chặt chẽ từ khâu xét chọn đối tượng, không xét những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, đối tượng có đăng ký thường trú tại địa phương nhưng thường xuyên vắng nhà hoặc những bệnh nhân không có khả năng đi đến cơ sở điều trị hàng ngày. Bệnh nhân được lựa chọn được khám lâm sàng và các xét nghiệm, nếu đủ tiêu chuẩn sẽ được cấp thẻ điều trị.Tuy vậy, 6 cơ sở điều trị Methadone mới chỉ đáp ứng được khoảng 20% so với tổng số người nghiện chích ma túy, trong khi Thanh Hoá là tỉnh có địa bàn rộng và khó khăn, dân số đông, có nhiều huyện miền núi vùng sâu vùng xa vì vậy bệnh nhân đến các cơ sở khám và điều trị Methadone để uống thuốc gặp rất nhiều khó khăn…Theo lộ trình đề ra, trong năm 2014, Thanh Hóa sẽ mở thêm 1 điểm dùng methadone tại Trung tâm y tế huyện Đông Sơn và năm 2015 các cơ sở sẽ thực hiện đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu 2.000 người nghiện chích ma túy được dùng methadone. Tiếp đó, Thanh Hóa sẽ xây dựng kế hoạch đề xuất mở rộng điều trị methadone ở các huyện còn lại trên toàn tỉnh.Tuy nhiên, việc mở rộng các cơ sở điều trị Methadone ở Thanh Hóa cũng đang đối mặt với một số thách thức lớn như: đảm bảo kinh phí hoạt động, duy trì các cơ sở điều trị như thế thế nào sau thời điểm các nguồn tài trợ bị cắt, giảm? Được biết, hiện kinh phí hoạt động của các cơ sở điều trị methadone ở Thanh Hóa vẫn được hỗ trợ chính từ dự án do Ngân hàng Thế giới, dự án Quỹ toàn cầu, dự án Life-gap...Ông Nguyễn Bá Cẩn, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Thanh Hóa khẳng định: “Tuy số người được điều trị hiện tại vẫn còn khiêm tốn so với tổng số đối tượng nghiện chích ma túy trên địa bàn toàn tỉnh, nhưng qua theo dõi và đánh giá bước đầu của Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Thanh Hóa, cho thấy đây là những tín hiệu khả quan, khẳng định việc đưa Methadone vào sử dụng thay thế heroin hay các chất dạng thuốc phiện khác cho người nghiện là một chủ trương đúng đắn”.Cùng với những kết quả khả quan sau gần 3 năm thực hiện Chương trình điều trị thay thế nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, hy vọng tới đây Thanh Hóa sẽ có nhiều hơn nữa những cơ sở điều trị Methadone để giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng, có cơ hội làm lại cuộc đời, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội./.
Hoa Mai/TTXVN