Nổi hạch ở trẻ


13/7/2014 10:54
Rất nhiều bà mẹ hoang mang khi phát hiện những cục hạch nhỏ nổi sau gáy, cổ hoặc vành tai của con mình. Đây là một phản ứng bình thường của cơ thể để chống lại các tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, có một số loại hạch nguy hiểm cần lưu ý.




ảnh minh họa
Nhận diện hạch bình thường
Theo bác sĩ Trương Anh Mậu, Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM, hạch có nhiều nơi trong cơ thể, thường không sờ được. Với trẻ em, những cục hạch nhỏ nổi ở sau tai, gáy có tên gọi là hạch bạch huyết. Hạch bạch huyết bình thường có kích thước nhỏ từ vài milimet đến khoảng 2 cm, thường không đau, không nhạy cảm khi sờ. Chức năng của hạch này là sản xuất bạch cầu và kháng thể chống lại các tác nhân gây bệnh như vi trùng, vi sinh, vi rút...
Đôi khi hạch bạch huyết sẽ sưng to. Điều này làm cho các bậc phụ huynh vô cùng lo lắng, vội đưa con đến bệnh viện ung bướu làm xét nghiệm. Tuy nhiên, theo bác sĩ Mậu, khi các hạch bị sưng thường là kết quả của cảm cúm, viêm họng, viêm da đầu, hoặc một số bệnh nhiễm như Rubella, tăng đơn nhân nhiễm khuẩn. Ngoài ra, hạch cũng sưng lên trong trường hợp do vết côn trùng cắn hay vết thương rách da. Hạch có thể sưng kể cả đối với những bệnh truyền nhiễm thông thường mà trẻ em thường hay mắc phải.
Chỉ trong một số trường hợp nhất định, sưng hạch là dấu hiệu của những nguy cơ tiềm ẩn lớn hơn. Những vị trí hạch dễ bị sưng và sờ được là vùng hai bên cổ, sau tai, nách và bẹn. Trong đó, hạch ở vùng cổ, sau tai bị sưng, sờ được thường khiến người lớn hoang mang nhất.
Hạch sưng cũng có thể do bị viêm. Nguyên nhân hạch viêm do siêu vi trùng gây ra, cũng có thể do vi trùng lao. Một số trường hợp trẻ có viêm a mi đan, viêm tai, viêm xoang, các hạch vùng quanh tai, dưới cằm và u quanh cổ cũng to ra và hơi đau, nhưng sau khi điều trị các bệnh lý trên, hạch vùng lân cận sẽ nhỏ lại, hết đau.
Trường hợp viêm hạch nhiễm trùng, trẻ sẽ sốt cao, hạch sưng to, đỏ, nóng đau, có thể bị áp xe do có mủ bên trong hạch hay bị rò mủ ra ngoài. Trẻ cần được trị liệu với kháng sinh thích hợp, khoảng 7 - 10 ngày sẽ khỏi bệnh và không để lại di chứng gì. Nếu có tụ mủ, trẻ sẽ được rạch và dẫn lưu mủ.
Hạch mới phát hiện thường chỉ to bằng hạt đậu, di động dưới da, không đau hoặc chỉ đau ít. Viêm nhiễm nặng có thể làm các hạch sưng lên thành những khối u to chắc và rất đau. Các hạch này có thể tiếp tục sưng lên khá lâu kể cả khi hết bị viêm nhiễm. Cảm giác đau ở hạch sưng là do sự phồng lên nhanh chóng của hạch trong thời kỳ đầu chống chọi với bệnh truyền nhiễm và sẽ biến mất sau vài ngày. Thời gian hạch nhỏ lại thường lâu hơn thời gian chúng bị sưng lên.
Đừng "khám" hạch qua các diễn đàn trên mạng
Mới đây, khoa Nhi Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TP.HCM tiếp nhận một trường hợp bị lao hạch nặng. Vì người nhà đưa đến bệnh viện quá trễ nên những cục hạch rò mủ ra ngoài da khiến bệnh nhân đau đớn và nhiễm trùng. Đó là trường hợp của bé Vũ Gia H., 3 tuổi rưỡi, ở Q.Tân Bình, TP.HCM.
Theo lời chị L., mẹ bé, thì cách đây hơn 1 năm, quanh vùng cổ, sau gáy của H. nổi nhiều cục hạch nhỏ, sờ vào không thấy bé phản ứng gì. Thấy con không đau nên chị không đưa đi khám mà lên một diễn đàn trên mạng tìm hiểu về tình trạng của bé. Khi hỏi mọi người, chị nhận được mấy trăm ý kiến và đa số đều cho rằng chị quá lo xa, con cái họ đứa nào cũng bị nổi hạch, đưa đi khám bác sĩ bảo là "hạch tốt" của cơ thể. Thấy vậy nên chị L. yên tâm.
Tiếp sau đó H. thường xuyên bị sốt cao, ho. Ban đầu chị đưa đi khám ở bệnh viện nhi thì được chẩn đoán là viêm họng nên lấy thuốc về uống. Về sau bé cũng bị tương tự nên chị cầm đơn thuốc cũ ra tiệm thuốc tây mua về cho con uống. Từ lúc 2 tuổi, H. được 13 kg và khi đón sinh nhật lần thứ 3 thì cân nặng cũng chẳng có gì thay đổi.
Đầu mùa hè này chị cho bé về quê nội chơi. Khi thấy xung quanh cổ, sau gáy có dịch rịn ra ngoài như giống như mủ và rất hôi nên ông bà tức tốc đưa H. về TP.HCM. Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 khám và kết luận H. bị lao hạch, chuyển qua Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch điều trị.
Theo bác sĩ Mậu, bệnh sẽ không nguy hiểm nếu H. được khám và chữa trị kịp thời. Tuy nhiên, vì để quá lâu nên vi trùng đã lan vào máu, may mắn là không gây nhiễm trùng toàn thân nên chưa nguy hiểm đến tính mạng. Lao hạch đối với trẻ em phải điều trị vô cùng khó khăn và mất nhiều thời gian, phải tuân thủ đúng phác đồ điều trị. Chỉ cần quên một liều thuốc thì phải bỏ hết tất cả những ngày uống thuốc trước đây để bắt đầu uống lại từ đầu.
Bác sĩ Mậu lưu ý là nên đưa trẻ đến bác sĩ khi có những dấu hiệu sau: Sốt trên 38 độ C mà không tìm thấy nguyên nhân; hạch sưng to, có màu đỏ, sờ thấy rất chắc và đau; sưng hạch có liên quan đến những dấu hiệu nhiễm trùng khác ở các vết thương; da có những vết thương bị chảy máu, bị sưng và đau; các hạch tiếp tục sưng to hoặc xuất hiện không rõ nguyên nhân và kéo dài trên 2 tuần. Ngoài ra, khi thấy trẻ bị rất nhiều hạch ở nhiều nơi như gáy, chẩm, sau tai, góc hàm, sau cơ ức đòn chũm... thì phải đưa trẻ đi khám bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ chuyên khoa lao để xem trẻ có bị bệnh lao sơ nhiễm, hay lao hạch, bệnh về máu...
Điều quan trọng là cha mẹ không nên tin tưởng tuyệt đối vào cách chữa bệnh và làm theo những lời khuyên tại các diễn đàn trên mạng. Vì cơ thể mỗi người hoàn toàn khác nhau nên cho dù có cùng một triệu chứng nhưng bệnh lại khác nhau. Trong trường hợp lao hạch hoặc lao sơ nhiễm thì phải điều trị kiên trì theo phác đồ thuốc chống lao. Nếu bệnh về máu phải điều trị ở chuyên khoa huyết học. Biểu hiện trẻ bị lao sơ nhiễm thường nổi hạch kèm với các triệu chứng toàn thân khác như sốt cao (có trường hợp chỉ sốt nhẹ), ho dai dẳng, chậm lớn hoặc sút cân...
Bên cạnh thuốc men, cha mẹ cần cho bé ăn đủ chất dinh dưỡng, chủ yếu là chất đạm (thịt, cá, tôm cua, đậu đỗ), các vitamin và chất khoáng có nhiều trong trái cây, rau xanh...