Đẩy mạnh can thiệp và chất lượng dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con


Thứ hai 03/06/2019 10:39

Tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con như xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV cho phụ nữ mang thai, cung cấp thuốc ARV cho phụ nữ nhiễm HIV bao gồm phụ nữ nhiễm HIV mang thai. Đồng thời, đẩy mạnh các can thiệp và chất lượng các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Đây là những hoạt động ngành Y tế sẽ đẩy mạnh nhân Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (từ 1/6 - 30/6/2019).
Tư vấn dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Ảnh: Thùy Chi
“Mẹ không có HIV - Con không nhiễm HIV”

Tháng cao điểm năm nay có chủ đề “Mẹ không có HIV - Con không nhiễm HIV” với mục đích thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân nhằm thực hiện mục tiêu “Giảm tỉ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ xuống dưới 2% vào năm 2020” đã được đề ra trong Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.


Nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vợ của những người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao về lợi ích của xét nghiệm HIV sớm và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm;


Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội trong dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.


Theo dõi tải lượng HIV của phụ nữ nhiễm HIV có nhu cầu sinh con và Phụ nữ mang thai nhiễm HIV, can thiệp kịp thời để tải lượng HIV đạt dưới ngưỡng ức chế (hoặc dưới ngưỡng phát hiện) để đảm bảo giảm tối đa tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con.


Đặc biệt, trong Tháng cao điểm, ngành Y tế sẽ tổ chức nhiều hoạt động, trong đó chú trọng tăng cường các hoạt động truyền thông, vận động hưởng ứng Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.


Nội dung truyền thông cần chú trọng vào các nội dung sau: Lợi ích của xét nghiệm sớm HIV cho phụ nữ mang thai; thời điểm phụ nữ nhiễm HIV có thể mang thai an toàn giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho con; lợi ích của theo dõi tải lượng HIV đối với phụ nữ mang thai nhiễm HIV để sinh ra những đứa con khỏe mạnh; các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV: Lợi ích của dự phòng sớm lây nhiễm HIV; điều trị ARV sớm để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; tuân thủ điều trị ARV để đạt tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế; quyền sinh con của phụ nữ nhiễm HIV với đầy đủ thông tin; bảo đảm tài chính cho chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; quảng bá các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại địa phương...


Các hình thức truyền thông linh hoạt và triển khai đa dạng phong phú, phù hợp với nguồn lực sẵn có của từng địa phương. Truyền thông trực tiếp như truyền thông với cá nhân, truyền thông nhóm, thăm gia đình phụ nữ mang thai nhiễm HIV; tư vấn tại các cơ sở y tế; tổ chức sinh hoạt của các câu lạc bộ phòng, chống HIV/AIDS, các nhóm tự lực, các nhóm giáo dục đồng đẳng (lưu ý cần huy động sự tham gia của người nhiễm HIV và những người có hành vi nguy cơ cao tham gia các hoạt động truyền thông)...


Tăng cường truyền thông trên hệ thống mạng xã hội và các trang thông tin điện tử. Truyền thông lưu động, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về HIV/AIDS và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con...


Lễ mít tinh và diễu hành quần chúng hưởng ứng Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tổ chức tập trung tại các tỉnh/thành phố. Tùy điều kiện, các tỉnh, thành phố có thể tổ chức Lễ phát động hoặc mít tinh và diễu hành quần chúng. Thời điểm tổ chức cho việc huy động cộng đồng tham gia như ngày cuối tuần (25-26/5).


Hiệu quả của các biện pháp can thiệp, điều trị dự phòng


Ngoài lây truyền qua đường máu và đường tình dục thì lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong ba con đường chính lây truyền HIV/AIDS. Khi mang thai, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con chiếm khoảng 25 - 40%.


Qua nghiên cứu của WHO trên 100 bà mẹ mang thai có HIV (không được can thiệp) thì có: 9 trẻ bị nhiễm HIV từ mẹ sang con trong giai đoạn mang thai; 17 trẻ bị nhiễm trong giai đoạn chuyển dạ và 10 trẻ bị nhiễm HIV trong giai đoạn bú mẹ. Điều này có nghĩa, cứ 100 trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV thì có khoảng 36 trẻ bị lây nhiễm.


Tại Việt Nam, theo số liệu giám sát trọng điểm, tỷ lệ nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai là 0,4%. Với số trẻ sinh ra hàng năm là 1,5 triệu đến 2 triệu thì mỗi năm có khoảng 6000 trẻ sinh ra có phơi nhiễm với HIV. Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con nếu không có bất kỳ sự can thiệp nào để dự phòng là khoảng 36% (25% - 40%).


Những phụ nữ mang thai được tư vấn xét nghiệm HIV có kết quả dương tính cần được theo dõi liên tục và can thiệp đúng quy trình nhằm làm giảm tới mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm HIV cho những trẻ sinh ra từ các bà mẹ này.


Các can thiệp trước sinh: Tư vấn xét nghiệm HIV, sàng lọc và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bổ sung vitamin, sắt, dự phòng và điều trị nhiễm trùng cơ hội, sử dụng ARV để điều trị cho mẹ hoặc điều trị dự phòng lây truyền mẹ con… là những biện pháp hết sức cần thiết và hiệu quả làm giảm tỷ lệ lây truyền mẹ con.


Các can thiệp trong khi sinh: Với những phụ nữ chưa tiếp cận các can thiệp trước sinh, cần tư vấn xét nghiệm nhanh HIV, nếu dương tính thì sử dụng phác đồ ARV dự phòng lây truyền mẹ con theo hướng dẫn, tránh các can thiệp như bấm ối, forcep, cắt tầng sinh môn…


Can thiệp sau sinh: Chủ yếu là tư vấn cho người mẹ về những lợi ích và nguy cơ lây nhiễm HIV khi cho trẻ bú. Tốt nhất là nuôi trẻ bằng sữa thay thế nếu có điều kiện. Trường hợp không có điều kiện sử dụng sữa thay thế, người mẹ cho bú hoàn toàn trong thời gian đầu, sau đó cai sữa sớm chuyển ăn dặm ngay khi có thể để giảm nguy cơ lây truyền HIV cho trẻ. Trẻ cần được giới thiệu và chuyển gửi tới các phòng khám ngoại trú cho trẻ em để theo dõi và điều trị ARV.


Những bằng chứng về hiệu quả của các biện pháp can thiệp, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã làm thay đổi rất lớn quan điểm về mang thai và sinh sản ở phụ nữ nhiễm HIV so với thời kỳ đầu đại dịch HIV mới xuất hiện. Để đạt được những kết quả lớn hơn nữa, hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cần tiếp tục triển khai rộng khắp, đúng quy trình, tăng cường khả năng tiếp cận cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV, trên cơ sở giảm dần và tiến đến xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS.