Tây Ninh: Tư vấn xét nghiệm HIV cho hơn 12 nghìn phụ nữ mang thai


Thứ hai 03/06/2019 10:20

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tây Ninh, tính đến tháng 5/2019, địa phương phát hiện 5.143 người nhiễm HIV, trong đó có 3.745 người chuyển sang AIDS và 1.748 người đã tử vong do AIDS. Số phụ nữ mang thai nhiễm HIV chiếm 5,74% (295/5.143).
Xét nghiệm HIV cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ - Ảnh: TT KSBT Tây Ninh

Năm 2018, các cơ sở tư vấn xét nghiệm trên địa bàn tỉnh đã tư vấn xét nghiệm HIV cho 12.335 phụ nữ mang thai, trong đó có 39 trường hợp nhiễm HIV và được điều trị bằng thuốc kháng HIV (đạt 100%). Tất cả trẻ sinh ra từ những phụ nữ mang thai nhiễm HIV đều được theo dõi và điều trị dự phòng lây truyền HIV đạt 100%.


Số trẻ được xét nghiệm PCR (chẩn đoán sớm nhiễm HIV cho trẻ dưới 18 tháng tuổi) trong vòng 2 tháng sau sinh là 39/39 (đạt 100%). Kết quả 1 trẻ phát hiện kết quả nhiễm HIV, nguyên do người mẹ sử dụng ma túy đá và đã không tuân thủ điều trị, không cho con uống thuốc ARV.


Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2019 có chủ đề “Mẹ không có HIV – Con không nhiễm HIV” nhằm khuyến khích phụ nữ mang thai đi xét nghiệm HIV để biết tình trạng HIV và được tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.


Tại Tây Ninh, cuối tuần qua Sở Y tế tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc Tây Ninh đã tổ chức Lễ phát động Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2019, bắt đầu từ ngày 1/6 đến 30/6, với chủ đề “Mẹ không có HIV- Con không nhiễm HIV”.


Địa phương sẽ giới thiệu, quảng bá rộng rãi về lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ xét nghiệm HIV; dự phòng, chăm sóc, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và giới thiệu chi tiết các cơ sở cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sẵn có tại địa phương, đơn vị…


Theo báo cáo, tình hình dịch HIV/AIDS tại Tây Ninh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu khống chế làm giảm số ca nhiễm mới, dịch vẫn có xu hướng tiếp tục lan rộng vào cộng đồng dân cư và tiếp tục gây tác động tiêu cực đối với xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến thế hệ lao động trẻ. Một trong những đường lây truyền HIV hết sức chú trọng hiện nay là lây truyền từ mẹ nhiễm HIV sang con.


Để loại trừ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, phụ nữ mang thai, vợ của những người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ hãy cùng nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác phòng chống HIV/AIDS.


Cộng đồng, xã hội cần giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV; tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; bảo đảm mọi người dân được tiếp cận với các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS; phấn đấu không còn trường hợp nào lây truyền HIV từ mẹ sang con, giảm bớt nỗi đau và gánh nặng cho những phụ nữ đang sống chung và chịu ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.