Điều trị dự phòng cho người bị phơi nhiễm với HIV trong nghề nghiệp

I. NGUYÊN TẮC CHUNG

Tư vấn cho người bị phơi nhiễm với máu, dịch cơ thể có nguy cơ lây nhiễm của người HIV(+).

Cần lấy máu thử ngay HIV và điều trị ngay không cần chờ kết quả xét nghiệm.

Thử lại HIV sau khi dùng thuốc 1 tháng; 3 tháng = 12 tuần và 6 tháng = 24 tuần.

Tổn thương không làm xây sát da không điều trị mà chỉ cần rửa sạch da.

II. ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ PHƠI NHIỄM VÀ XỬ TRÍ VẾT THƯƠNG TẠI CHỖ

1. Đánh giá tính chất phơi nhiễm

1.1. Kim đâm

Cần xác định vị trí tổn thương.

Xem kích thước kim đâm (nếu kim to và rỗng thì nguy cơ lây nhiễm cao).

Xem độ sâu của vết kim đâm.

Nhìn thấy máu chảy khi bị kim đâm.

1.2. Vết thương do dao mở, do ống nghiệm đựng máu, chất dịch của bệnh nhân nhiễm HIV bị vỡ đâm vào da, cần xác định độ sâu và kích thước của vết thương

1.3. Da bị tổn thương từ trước và niêm mạc

Da có các tổn thương do: chàm, bỏng hoặc bị viêm loét từ trước.

Niêm mạc mắt hoặc mũi họng.

2. Xử trí ngay tại chỗ

Da: Rửa kỹ bằng xà phòng và nước sạch, sau đó sát trùng bằng dung dịch Dakin hoặc nước Javel pha loãng 1/10 hoặc cồn 700, để tiếp xúc nơi bị tổn thương ít nhất 5 phút.

Mắt: Rửa mắt với nước cất hoặc huyết thanh mặn đẳng trương (0,9%), sau đó nhỏ mắt bằng nước cất liên tục trong 5 phút.

Miệng, mũi: rửa mũi bằng nước cất, súc miệng bằng huyết thanh mặn đẳng trương (0,9%).

III. ĐIỀU TRỊ DỰ PHÒNG

1.
Thời gian điều trị tốt nhất là ngay từ những giờ đầu tiên (2-3 giờ sau khi xảy ra tai nạn), muộn nhất không quá 7 ngày.

2. Nếu tổn thương chỉ xây xước da không chảy máu hoặc máu, dịch của bệnh nhân bắn vào mũi họng thì phối hợp 2 loại thuốc trong thời gian 1 tháng theo hướng dẫn ở phần trên.

3. Nếu tổn thương sâu, chảy máu nhiều thì phối hợp 3 loại thuốc trong thời gian 1 tháng theo hướng dẫn ở phần trên.

C. Điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con

I. ĐIỀU TRỊ PHỤ NỮ MANG THAI NHIỄM HIV ĐỂ PHÒNG LÂY NHIỄM TỪ MẸ SANG CON

Điều trị phụ nữ mang thai nhiễm HIV với mục đích làm giảm lây nhiễm từ mẹ sang con, nếu người mẹ và gia đình sau khi được tư vấn vẫn muốn giữ thai.

1. Điều trị trước và trong khi đẻ: Tùy điều kiện có thể lựa chọn một trong hai phác đồ sau:

1.1. Phác đồ sử dụng Nevirapine

Chỉ định: Khi bắt đầu chuyển dạ thực sự hoặc trước khi mổ lấy thai.

Điều trị: Uống một lần duy nhất 1 viên Nevirapine 200mg.

Theo dõi cuộc chuyển dạ và tiếp tục đỡ đẻ như bình thường.

1.2. Phác đồ sử dụng Zidovudine

Zidovudine 600mg/ngày, chia 2 lần, uống bắt đầu từ tuần thai thứ 36 đến khi chuyển dạ. Trong trường hợp thai phụ đến muộn (sau tuần thứ 36), cũng cho uống với liều trên cho đến khi chuyển dạ.

Trong khi chuyển dạ đẻ tiếp tục dùng Zidovudine 300mg/lần, cứ 3 giờ cho uống 1 lần đến lúc cặp và cắt dây rốn thì ngừng thuốc.

Cần cho thêm thuốc chống thiếu máu bằng cách bổ sung viên sắt hoặc axit folic.

Nếu người mẹ có nhiễm trùng cơ hội kèm theo thì điều trị như những người bệnh nhiễm trùng cơ hội khác hoặc gửi đi khám chuyên khoa để có chỉ định dùng thuốc đúng và hợp lý.