Hiện tượng không triệu chứng đặc biệt của bệnh nhân HIV/AIDS

Thứ năm 17/09/2020 14:00

Năm 1986, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) mô tả ban đầu về HIV gồm hai loại chính. Một là loại có triệu chứng, hai là không. Trong 2 thập kỷ sau đó, thông tin trên được đưa vào hướng dẫn điều trị cho các bác sĩ lâm sàng tại Mỹ và các quốc gia khác.



Xét nghiệm HIV

Mới đây, một bệnh nhân người Mỹ đã vô tình phát hiện nhiễm HIV sau 25 năm nhiễm bệnh mà không thấy bất cứ triệu chứng gì của virus HIV. Trước đó, năm 2008, các chuyên gia về AIDS tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho biết, họ ghi nhận nhiều trường hợp nhiễm HIV trong thời gian dài (thậm chí hàng thập kỷ) nhưng không có triệu chứng dù không được điều trị. Ở những người này, tải lượng virus trong máu rất thấp, bệnh không chuyển biến thành AIDS.

Trường hợp điển hình là cặp vợ chồng ở Baltimore, Mỹ. Người chồng nhiễm HIV khi tiêm ma túy trực tiếp vào tĩnh mạch. Người vợ bị lây virus khi quan hệ tình dục với chồng. Tuy nhiên, người chồng phát bệnh còn vợ không có triệu chứng của HIV. Người phụ nữ này đã duy trì tải lượng virus dưới 50 bản sao/1 ml máu trong 10 năm và không cần điều trị.

Trong khi đó, người chồng có tải lượng virus tới hàng trăm nghìn bản sao trên mỗi ml máu và phải dùng thuốc ức chế thường xuyên nhằm ngăn bệnh phát triển thành AIDS.

Một bệnh nhân HIV khác là Loreen Willenberg, 66 tuổi, ở California, Mỹ. Người phụ nữ này nhiễm virus HIV vào năm 1992 và được cho là khỏi bệnh không cần dùng thuốc hay ghép tủy xương. Bà Loreen được ghi nhận là người đầu tiên tự khỏi bệnh.

Theo Science Daily, các chuyên gia tại Đại học Johns Hopkins đặt giả thuyết trường hợp nhiễm HIV/AIDS không triệu chứng là do hệ miễn dịch đặc biệt, khỏe hơn người khác. Họ loại bỏ giả thuyết virus HIV mà những người này nhiễm bị khiếm khuyết hay là chủng mới.

Về trường hợp của cặp vợ chồng ở Baltimore, GS Joel Blankson, chuyên gia bệnh truyền nhiễm của Đại học Johns Hopkins, cho biết: “Đây là trường hợp đồng nhiễm hiếm gặp”.

Khi phân tích máu, các bác sĩ nhận thấy hai vợ chồng đều nhiễm cùng một chủng HIV. Xét nghiệm di truyền cũng xác nhận họ đều có một chuỗi vật chất di truyền hoạt động quá mức gắn với gene HLA B57. Đây là gene thường có ở những người bị ức chế miễn dịch khi nhiễm HIV.

Khi kiểm tra tế bào T lần đầu ở hai bệnh nhân này, các nhà khoa học phát hiện chúng được kích hoạt ở người vợ và ngăn chặn 90% quá trình virus nhân lên trong cơ thể. Ở người chồng, tỷ lệ này chỉ khoảng 30%. Máu người vợ có ít nhất 2 đột biến làm suy yếu virus HIV còn người chồng mang ít đột biến hơn.

Theo ông Blankson, phát hiện trên mang lại hy vọng cho các nhà nghiên cứu vaccine ngừa HIV. Đó là tế bào T CD8 trong hệ miễn dịch có thể ngăn chặn sự phát triển của virus HIV. “Nếu có thể khai thác các tế bào bạch cầu này, chúng ta sẽ lập trình được cơ chế nhắm vào các virus HIV và tiêu diệt nó”, ông Blankson nói.

Về trường hợp người tự khỏi bệnh, nhóm nghiên cứu tại Đại học California (San Francisco, Mỹ), cho hay 63 trường hợp khác tự kiểm soát lây nhiễm virus mà không cần dùng thuốc. Ở những người này, HIV dường như bị cô lập, khóa chặt trong phần gene đặc biệt và khiến chúng không thể sinh sản, gây bệnh. Phát hiện này cho thấy nhóm người trên có thể đã đạt được “phương pháp chữa trị chức năng”. Đây là tia hy vọng lớn cho các nhà nghiên cứu trên con đường tìm ra phương pháp chữa trị dứt điểm cho căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.


Thùy Chi
Theo New York Times/Virology