Vì sao bệnh nhân bị kháng thuốc điều trị HIV/AIDS?

Thứ Bảy, 11/04/2015, 08:40 [GMT+7]

Theo cảnh báo từ ngành y tế, số bệnh nhân HIV/AIDS kháng thuốc điều trị kháng vi rút (ARV) ngày một nhiều, khiến việc điều trị HIV/AIDS kém hiệu quả.

Bác sĩ Phạm Trung Thảo, trưởng Khoa Nhiễm Bệnh viện Bà Rịa khám cho bệnh nhân HIV/AIDS.
Nhờ có chương trình điều trị HIV/AIDS, từ năm 2004 đến nay toàn tỉnh 1.400 bệnh nhân được điều trị bằng thuốc ARV. Riêng năm 2014, số bệnh nhân mới được quản lý điều trị là 323 người; trong đó có 238 người được điều trị bằng ARV. Theo các bác sĩ, bệnh nhân HIV/AIDS được điều trị bằng thuốc ARV đều có tiến triển tốt về sức khỏe. Trước đây, phần lớn bệnh nhân HIV/AIDS bị nhiễm trùng cơ hội nặng dần, nhanh dẫn đến tử vong. Từ khi được điều trị bằng thuốc ARV, sức đề kháng của bệnh nhân tăng và giảm rõ rệt tình trạng nhiễm trùng cơ hội nên sức khỏe được cải thiện, nâng cao chất lượng sống và kéo dài tuổi thọ.

Mặc dù điều trị bằng ARV mang lại hiệu quả về sức khỏe cho bệnh nhân HIV/AIDS, nhưng các cơ sở điều trị cũng nhận thấy hiện tượng bệnh nhân kháng thuốc ARV và thất bại trong điều trị. Theo thống kê của Bệnh viện Bà Rịa, trong số hơn 700 bệnh nhân được quản lý điều trị bằng thuốc ARV từ năm 2004 đến nay, có hơn 30 bệnh nhân kháng thuốc, phải chuyển lên điều trị ARV phác đồ 2. Bác sĩ Phạm Trung Thảo, trưởng Khoa Nhiễm Bệnh viện Bà Rịa cho biết, bệnh nhân kháng thuốc phải chuyển lên phác đồ cao hơn thì kéo theo chi phí điều trị tăng lên gấp 10 lần.


Theo các bác sĩ Thảo, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh nhân kháng thuốc ARV, trong đó chủ yếu là do bệnh nhân không tuân thủ chế độ điều trị, thường xuyên bỏ thuốc. bệnh nhân khi đến các cơ sở điều trị đều được nhân viên y tế tư vấn về việc phải tuân thủ điều trị, những tác hại của việc không tuân thủ; tuy nhiên vẫn có nhiều yếu tố tác động khiến bệnh nhân khó tuân thủ. Các bệnh nhân HIV/AIDS có sử dụng ma túy cho biết, sở dĩ họ không thể tuân thủ điều trị ARV là do mỗi lần lên cơn nghiện mà đúng giờ uống thuốc thì phải bỏ thuốc ARV để tìm cách thỏa mãn cơn nghiện.


Theo khảo sát của điều dưỡng Hồ Thị Ngọc Hà, Khoa Nhiễm Bệnh viện Bà Rịa, yếu tố hoàn cảnh gia đình cũng tác động quan trọng đến việc tuân thủ điều trị của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân có người hỗ trợ là cha, mẹ, vợ, chồng, thì sự tuân thủ điều trị tốt hơn nhiều so với những người không có hỗ trợ này từ người thân. Cũng giống như người nghiện ma túy, những người nghiện rượu, bia tuân thủ điều trị ARV rất kém, chỉ có khoảng 20% trong số này là tuân thủ tốt. các trường hợp bệnh nhân mắc một số bệnh nhiễm trùng, hoặc gặp trở ngại vì tác dụng phụ của thuốc cũng không dùng thuốc thường xuyên.


Khảo sát này cũng cho thấy, người bệnh HIV/AIDS bị kỳ thị hoặc cho là mình bị kỳ thị có tỷ lệ tuân thủ điều trị thấp, chỉ đạt 49,3%; số không tuân thủ điều trị trong nhóm này là 50,7%. Đối với nhóm người bệnh không bị kỳ thị thì tỷ lệ tuân thủ điều trị tốt đạt đến 83,6%. Điều này có nghĩa là nếu bệnh nhân bị kỳ thị của cộng đồng, xã hội, sẽ mặc cảm, tự ti, dẫn đến có tâm lý trốn tránh, giảm số lần đến cơ sở điều trị để uống thuốc và kiểm tra sức khỏe.


Theo bác sĩ Bùi Minh Kha, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, để tuân thủ điều trị thuốc ARV tốt, bệnh nhân cần được trang bị tốt kiến thức về điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV, cần được quản lý, giám sát, hỗ trợ của nhân viên y tế, sự gần gũi giúp đỡ của người thân, được tư vấn, giải thích khi bệnh tác dụng phụ và những thắc mắc xung quanh việc điều trị.