Tăng cường dự phòng và giám sát HIV kháng thuốc

Thứ sáu 11/12/2015 18:00


Điều trị ARV làm giảm các bệnh nhiễm trùng cơ hội và tử vong liên quan đến HIV cho người bệnh, đồng thời làm giảm đáng kể mức độ lây truyền HIV. Tuy nhiên, việc mở rộng điều trị ARV với phác đồ chuẩn và điều trị lâu dài cũng làm xuất hiện và lan truyền các chủng HIV kháng thuốc (HIVKT) trong cộng đồng.





Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: Hải Huệ

TS. Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết như trên tại Hội thảo Dự phòng và giám sát HIV kháng thuốc tại Việt Nam do Cục Phòng, chống HIV/AIDS vừa phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức.

Hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong công tác dự phòng và giám sát HIV kháng thuốc trong thời gian qua, cũng như xác định rõ các bất cập, khó khăn tồn tại và tìm giải pháp khắc phục cho những năm tới.

Theo TS. Phan Thị Thu Hương, sự lan truyền HIVKT là một trở ngại lớn cho việc điều trị ARV trong tương lai, làm giảm hiệu quả của phác đồ điều trị chuẩn và hạn chế khả năng lựa chọn các phác đồ thay thế. Do đó, cùng với việc mở rộng tiếp cận điều trị ARV thì vấn đề theo dõi giám sát sự lan truyền HIVKT là rất quan trọng.

Tại hổi thảo, TS. Masaya Kato, Chuyên gia tổ chức Y tế Thế giới khẳng định sự cần thiết thực hiện giám sát HIV kháng thuốc tại tất cả các quốc gia. Hiện nay trên thế giới đã có 67 quốc gia triển khai HIV kháng thuốc với 510 giám sát HIVKT được thực hiện. Hoạt động này nhằm bảo đảm điều trị ARV có hiệu quả trong ức chế virus để duy trì lợi ích về điều trị và dự phòng, hướng tới mục tiêu 90-90-90 của Liên Hợp Quốc (90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác).

HIVKT còn có thể gây ảnh hưởng đến hiệu quả của các phác đồ hiện đang sử dụng cho nên việc dự phòng và giám sát sẽ cũng cung cấp số liệu cho các nhà hoạch định chính sách quốc gia và toàn cầu để xây dựng hướng dẫn về điều trị ARV và tạo cơ hội để xác định các vấn đề trong quá trình triển khai chương trình và đưa ra các giải pháp để giải quyết. Ông cũng cho biết chiến lược của WHO về HIVKT gồm: Giám sát về EWI, PDR và ADR là các ưu tiên và Ba năm giám sát một lần cung cấp thông tin cho hành động.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận về việc theo dõi HIV kháng thuốc ở người lớn điều trị ARV trên 36 tháng ở Việt Nam; Lây truyền HIV kháng thuốc; Theo dõi HIV kháng thuốc ở trẻ em điều trị ARV phác đồ bậc 1 tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh; Mô hình ước tính HIV kháng thuốc tại Việt Nam; dữ liệu HIV kháng thuốc toàn quốc và thảo luận về kế hoạch theo dõi HIV kháng thuốc trong tương lai.
Hải Huệ
http://tiengchuong.vn/HIVAIDS/Tang-c...huoc/16125.vgp