Chuyển cấp ARV qua BHYT: Nhiều thách thức cần giải quyết
Thứ ba 04/12/2018 17:44
Tới đây, khi các nguồn viện trợ quốc tế cho thuốc ARV sẽ rút hoàn toàn, điều trị ARV tại Việt Nam chuyển sang do bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả. Điều đó dẫn đến những thách thức mà Việt Nam sẽ cần giải quyết để có thể tiến tới hoàn toàn chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030. Cùng với đó, nhiều người nhiễm HIV lo ngại việc khám chữa bệnh bằng BHYT sẽ khiến việc bảo mật thông tin cho họ không còn được duy trì.
Việc tuân thủ điều trị chưa được quan tâm đúng mức
Trên toàn thế giới ước tính có khoảng 31,1-43,9 triệu người sống chung với HIV, 75% trong số đó biết tình trạng của mình. Tính đến năm 2017, số người tham gia điều trị đạt mức cao nhất trong lịch sử phòng, chống HIV/AIDS với 21,7 triệu bệnh nhân (58.6%), số người tử vong vì AIDS cũng đạt mức thấp nhất là dưới 1 triệu ca một năm. Số trẻ em dưới 15 tuổi nhiễm HIV là 1,8 triệu em, tuy nhiên mới chỉ có khoảng 50% được tham gia điều trị.
Trong gần 30 năm qua, kể từ khi phát hiện bệnh nhân nhiễm HIV đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh vào năm 1991, Việt Nam đã đạt được những bước tiến và thành tựu đáng kể trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Với cam kết thực hiện mục tiêu 90-90-90 đến năm 2020, Việt Nam luôn cập nhật và áp dụng những tiến bộ mới vào ứng phó HIV quốc gia, có thể nhắc đến một số như: tăng cường sự tham gia của các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi HIV trong ứng phó, thúc đẩy xét nghiệm sớm, điều trị ngay khi có kết quả dương tính với HIV, khuyến khích điều trị dự phòng HIV trước phơi nhiễm (PrEP) cho các nhóm chịu ảnh hưởng lớn bởi HIV như người sử dụng ma tuý, người bán dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới và người chuyển giới,…
Bên cạnh những sáng kiến liên quan đến phát hiện và điều trị sớm để đạt mục tiêu 90-90-90, yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng đó là giúp bệnh nhân HIV tuân thủ điều trị.
Bởi phát hiện tình trạng nhiễm HIV và điều trị ngay để tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện thôi là chưa đủ, mà còn cần duy trì kết quả dưới ngưỡng phát hiện đó trong toàn bộ quá trình điều trị HIV bằng cách tuân thủ các quy tắc trong điều trị: Uống đúng thuốc, đúng cách, đúng liều và đúng giờ. Tuân thủ điều trị ARV còn giúp hạn chế tình trạng kháng thuốc.
Tuy nhiên, một quan niệm phổ biến trong cộng đồng là việc tuân thủ điều trị là trách nhiệm của riêng cá nhân người nhiễm HIV, từ đó dẫn đến việc còn thiếu sự cảm thông cũng như hỗ trợ từ cộng đồng đối với bệnh nhân HIV.
Chị Đoàn Thị Khuyên, Trưởng ban điều hành Liên minh Hỗ trợ tuân thủ điều trị cho người có HIV chia sẻ: “Bệnh nhân điều trị HIV không chỉ đối mặt với những mệt mỏi về thể chất do tác dụng phụ của thuốc gây ra mà còn vấp phải nhiều sự kỳ thị, xa lánh của xã hội.
Điều trị HIV là một hành trình mệt mỏi và cô độc đối với bệnh nhân nếu không có sự quan tâm, hỗ trợ đầy đủ từ gia đình, nhân viên y tế và xã hội. Điều này rất dễ dẫn đến việc không tuân thủ điều trị hay bỏ trị, gây nguy hại không chỉ cho bản thân bệnh nhân mà còn có tác động không tích cực đến cộng đồng”.
Nỗi lo lộ thông tin
Cùng với đó, khi các nguồn viện trợ quốc tế cho thuốc ARV sẽ rút hoàn toàn vào năm 2020, điều trị HIV tại Việt Nam buộc phải chuyển đổi sang hệ thống do BHYT chi trả trong một lộ trình tương đối khẩn trương đối với cả bệnh nhân và các cơ sở khám, chữa bệnh. Điều đó dẫn đến những thách thức mà Việt Nam sẽ cần giải quyết để có thể tiến tới hoàn toàn chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030.
Theo đó, bệnh nhân HIV phải thích ứng cùng một lúc với nhiều thay đổi: môi trường khám chữa bệnh mới (từ phòng khám ngoại trú riêng biệt sang bệnh viện), nhân viên y tế mới, các quy trình và thủ tục mới cũng như nỗi lo về tài chính khi không còn được chi trả toàn bộ cho việc khám, điều trị HIV như trước đây.
Theo BS Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, chỉ cần người bệnh chủ quan uống sai giờ, lúc đầu vài phút, vài tiếng, vài ngày, thậm chí cả tháng vì thấy mình… không sao. Nhưng uống kiểu này sẽ dẫn tới tình trạng kháng thuốc, khó điều trị.
Do đó, việc thay đổi chính sách có thể ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề tuân thủ điều trị. Nếu không cẩn thận sẽ làm xáo trộn, gây hậu quả khi nhiều người nhiễm HIV bỏ dùng thuốc.
Trao đổi về vấn đề này, chị Đoàn Thị Khuyên, Trưởng ban điều hành Liên minh Hỗ trợ tuân thủ điều trị cho người có HIV cho biết, trong thời gian qua với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, người nhiễm HIV được tiếp cận với chương trình điều trị, được giáo dục về vấn đề điều trị rất chặt chẽ, theo đó việc tuân thủ điều trị là rất tốt.
Sắp tới điều trị ARV chuyển sang thanh toán qua BHYT, đó là sự quan tâm đặc biệt từ phía Chính phủ dành cho chương trình HIV. Tuy nhiên, trong giai đoạn chuyển giao này, người nhiễm HIV cũng đang gặp những khó khăn.
“Với đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế mới, không phải cán bộ y tế nào cũng sẵn sàng chấp nhận, làm việc thân thiện với người nhiễm HIV. Do bác sĩ kiêm nhiệm quá nhiều công việc trong một đơn vị, hệ thống bệnh viện sẽ không còn nhiều thời gian để tư vấn cho bệnh nhân về vấn đề tuân thủ điều trị ARV nữa.
Nếu bệnh nhân không hiểu được tầm quan trọng của điều trị sẽ dễ dẫn đến việc bỏ trị, sức khỏe giảm sút, tỷ lệ kháng thuốc cao hơn, nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng cao hơn và chi phí điều trị bệnh cho người bệnh cũng cao hơn”, chị Khuyên nhấn mạnh.
Cùng với đó, khi chuyển đổi sang thẻ BHYT vấn đề bảo mật thông tin là điều mà hầu hết người nhiễm HIV nào cũng lo lắng. Anh Nguyễn Đình Đức - Trưởng nhóm Niềm tin xanh Hà Nội cho hay: “Sử dụng thẻ BHYT có những mặt tốt, có thể quản lý được người nhiễm HIV, tuy nhiên, đa số những người đang sử dụng thuốc ARV lo sợ bị lộ thông tin khi chuyển cấp thuốc ARV qua BHYT.
Hầu hết họ sẽ không đồng ý chuyển về địa phương để điều trị ARV, sẽ không điều trị ở các cơ sở y tế, bệnh viện, theo đó nhiều người chọn phương án tự mua thuốc ở bên ngoài để điều trị mà khi đó bản thân họ không kiểm soát được chất lượng thuốc và thậm chí không có đủ chi phí để mua thuốc cả đời”.
Trước những nỗi lo đó, cộng đồng người có HIV mong muốn trong thời gian tới BHYT sẽ cung cấp được đầy đủ các loại thuốc, đáp ứng được nhu cầu điều trị của người nhiễm HIV tại Việt Nam. Đồng thời, người bệnh cũng mong nhận được sự quan tâm, tư vấn, hỗ trợ tuân thủ điều trị từ nhân viên y tế, gia đình và cộng đồng.
Thanh Tâm