6.2 Làm sạch
Làm sạch là giai đoạn đặc biệt quan trọng trong quá trình tái xử lý dụng cụ, và quyết định hiệu quả của việc khử khuẩn và tiệt khuẩn sau đó. Làm sạch là một hình thức khử bẩn nhằm loại bỏ các chất hữu cơ muối và các vết bẩn nhìn thấy được bằng nước, nhiệt, chất kháng khuẩn và bàn chải. Một số thiết bị (vd, cây treo dịch truyền, xe lăn…) đôi khi không cần khử khuẩn hay tiệt khuẩn thêm sau khi làm sạch.
Nếu dụng cụ không thể làm sạch ngay thì có thể dùng khử nhiễm bước đầu để làm giảm nguy cơ lây truyền tác nhân gây bệnh. Nên phân loại dụng cụ và sau đó ngâm vào dung dịch khử khuẩn mức độ thấp đến trung bình (bảng 6-2).
Làm sạch có thể thực hiện bằng thuốc tẩy, chất làm sạch có enzym, hay nhiệt độ cao, hay sử dụng thiết bị cơ học như máy rửa tiệt khuẩn, máy làm sạch bằng sóng siêu âm, máy rửa chén, máy rửa dụng cụ hay máy rửa khử khuẩn. Dung dịch enzym giúp loại bỏ những vết bẩn bám chặt khi nước và/hay thuốc tẩy không hiệu quả. Dụng cụ sau khi làm sạch phải được tráng và làm khô đúng cách trước khi khử khuẩn hay tiệt khuẩn. Cần tráng để loại bỏ các chất bẩn và chất làm sạch trên dụng cụ để ngăn chất khử khuẩn không bị trung hoà. Cần lau khô dụng cụ vì nước có thể làm giảm tác động của hoá chất khử khuẩn.
Nhân viên chịu trách nhiệm làm sạch dụng cụ bị nhiễm phải mang dụng cụ phòng hộ cá nhân thích hợp để tránh bị phơi nhiễm với các tác nhân gây bệnh tiềm tàng, hoá chất và cũng nên chích ngừa viêm gan B.

6.3 Khử Khuẩn
Khử khuẩn là phương pháp dùng những qui trình hoá học để loại bỏ hầu hết các vi sinh vật gây bệnh, các dạng vi khuẩn trên đồ vật được nhận biết, nhưng không loại bỏ hẳn tất cả (không diệt được nội bào tử vi khuẩn). Có 3 phương pháp khử khuẩn chính: Hoá chất khử khuẩn, phương pháp Pasteur và tia cực tím. Spaulding đề nghị 3 mức độ khử khuẩn dụng cụ và bề mặt, gồm mức độ cao, trung bình và thấp. Khử khuẩn mức độ cao diệt tất cả vi sinh vật, trừ một số bào tử vi khuẩn; khử khuẩn mức độ trung bình diệt mycobacteria, hầu hết virus và vi khuẩn; và khử khuẩn mức độ thấp diệt một số virus và vi khuẩn (Bảng 6-2)
Yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của quá trình khử khuẩn:

  1. Sức đề kháng của vi sinh vật
  2. Nồng độ của vi sinh vật
  3. Loại vật liệu (vô cơ hay hữu cơ)
  4. Cường độ và thời gian xử lý: nồng độ của chất khử khuẩn (sử dụng lần đầu và lần sau), nhiệt độ, thời gian tiếp xúc, pH dung dịch, độ cứng pha loãng và chất cặn lắng còn lại sau làm sạch.

6.3.1 Khử Khuẩn bẳng hóa chất
Vi sinh vật có độ nhạy cảm khác nhau với chất khử khuẩn. Vi khuẩn thực vật và virus có vỏ bọc thường nhạy cảm nhất; bào tử vi khuẩn và sinh vật đơn bào đề kháng nhất. Phân loại các mức độ khử khuẩn khác nhau cho từng loại vi sinh vật được trình bày ở bảng 6-3. Tham khảo danh sách các hóa chất sử dụng trong bệnh viện ở Phụ lục 1. Phải tuân thủ khuyến cáo của nhà sản xuất về thời gian tiếp xúc, hòa loãng và trộn lẫn hóa chất. Nếu nồng độ của chất khử khuẩn quá thấp, hiệu quả sẽ giảm. Nếu nồng độ quá cao, sẽ tăng nguy cơ hư hại dụng cụ và gây độc cho người sử dụng. Nên sử dụng các que thử hoá học để xác định nồng độ của thành phần có hoạt tính đủ hiệu quả hay không, dù có tái sử dụng hay pha loãng. Tuy nhiên, không nên sử dụng những que thử hóa học này để gia hạn việc sử dụng hoá chất diệt khuẩn khi nó đã hết hạn sử dụng. Rửa sạch cẩn thận bằng nước tiệt khuẩn hay nước lọc sau khi ngâm hóa chất. Nếu không áp dụng được, có thể dùng nước máy hay nước lọc (lưới lọc dày 2 micron), rồi sau đó tráng bằng alcohol và thổi khô. Những qui trình chuyên biệt nên được thực hiện sau khi khử khuẩn hoá học, và để khô, tránh tái nhiễm trong quá trình đóng gói cho dụng cụ.