Câu 7. Ăn ở, sinh hoạt thông thường hàng ngày với người nhiễm HIV có bị lây nhiễm HIV không?
Trả lời:
HIV không lây nhiễm qua sinh hoạt thông thường hàng ngày, trong giao tiếp, tiếp xúc với người nhiễm HIV ví dụ như:
- Ôm hôn nhẹ nhàng, bắt tay, nói chuyện, ho, hắt hơi…;
- Tiếp xúc gần gũi xã giao với người nhiễm HIV (không quan hệ tình dục);
- Ăn chung, dùng chung bát đũa, cốc chén;
- Dùng chung nhà tắm, nhà vệ sinh, mặc chung quần áo, ngồi chung ghế;
- Côn trùng như ruồi, muỗi, chấy, rận… không phải là trung gian lây truyền HIV.


Câu 8. Có thể bị lây nhiễm HIV nếu bị phơi nhiễm với HIV không theo các đường lây truyền đã đề cập ở trên không?
Trả lời:
Mặc dù không phải là phổ biến, nhiễm HIV thông qua việc vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc dịch sinh học của cơ thể người nhiễm HIV vẫn có thể xảy ra (HIV không thể truyền qua làn da khỏe mạnh bình thường). Tuy nhiên các biện pháp thận trọng đơn giản vẫn được áp dụng trên toàn cầu để có thể bảo vệ chống lại khả năng lan truyền này.
Lây nhiễm HIV trong cơ sở y tế có thể xảy ra khi làm các xét nghiệm có liên quan đến máu và dịch thể sinh học của bệnh nhân nhiễm HIV: khi làm các thủ thuật, phẫu thuật và khi chăm sóc. Do vậy cần phải thực hiện các biện pháp dự phòng để tránh lây nhiễm chéo HIV trong môi trường chăm sóc ở cơ sở y tế, cụ thể là:
+ Phải coi mọi bệnh phẩm có máu và dịch cơ thể đều có thể có nguy cơ lây nhiễm HIV;
+ Luôn phải đeo găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch cơ thể bệnh nhân. Mang các phương tiện phòng vệ như kính, khẩu trang, mặc áo choàng khi có nguy cơ bị máu và dịch cơ thể bệnh nhân bắn phải;
+ Nếu vết thương hở ở tay, chân hoặc có tổn thương da rỉ nước, phải băng kỹ và tốt nhất không tiếp xúc với máu, dịch cơ thể của bệnh nhân cho đến khi tổn thương lành;
+ Khi trên mặt bàn, mặt sàn có máu hoặc dịch cơ thể bệnh nhân, phải đổ ngập tràn chỗ có máu và dịch bằng các dung dịch sát khuẩn như nước Javel, dung dịch có Clo..., để 20 phút sau đó dùng giẻ thấm khô rồi rửa sạch;
+ Đối với các đồ vải thấm máu và dịch, phải dùng kẹp để gắp cho vào túi riêng, nếu không có kẹp thì gấp phần có máu và dịch vào trong để tránh cầm phải chỗ có máu, sau đó vận chuyển đến nơi huỷ hoặc nhà giặt. Phải ngâm các đồ vải này trong các hoá chất sát trùng 20 phút trước khi giặt;
+ Đối với các chất thải (đờm, nước tiểu, phân... có máu hoặc các dịch cơ thể) cũng xử lý tương tự. Đổ ngập tràn vùng chất thải bằng các hoá chất sát trùng để 20 phút trước khi đổ vào nơi thải chung;
+ Luôn rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi đeo găng, trước và sau khi thăm khám bệnh nhân, sau khi giúp bệnh nhân đi vệ sinh.
Câu 9. Sau khi sinh con tôi mới phát hiện mình bị nhiễm HIV. Tôi rất sợ mình đã truyền HIV sang đứa con mới sinh. Để yên tâm, tôi muốn đưa cháu đi xét nghiệm HIV ngay có được không vì cháu mới được 01 tháng tuổi?
Trả lời:
Xét nghiệm HIV ở trẻ em dưới 18 tháng tuổi sẽ không cho kết quả chính xác. Vì vậy, để có kết quả xét nghiệm chính xác, bạn nên đưa con bạn đi xét nghiệm HIV khi con của bạn đủ 18 tháng tuổi.
Ở một vài cơ sở y tế ở Việt Nam hiện đã có một loại xét nghiệm đặc biệt gọi là xét nghiệm PCR có thể xác định nhiễm HIV khi trẻ chưa đến 18 tháng tuổi, bạn hãy liên lạc với Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tại địa phương mình để tìm hiểu xem hiện xét nghiệm đó đã có ở nơi bạn sống hay chưa.